Xu hướng đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh

Huy Hoàng
Đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh trong xu thế hội nhập cộng đồng kinh tế Asean.

Tóm tắt:

Trên cơ sở nhu cầu nhân lực ngành Du lịch của thành phố Hồ Chí Minh trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, bài viết đề cập đến thực trạng những bấp cập trong vấn đề đào tạo cũng như sử dụng nguồn nhân lực du lịch. Từ đó đề xuất một số kiến nghị với hy vọng: sẽ có sự phối hợp, quan tâm đúng mức của các cấp, ngành sẽ là nguồn cổ vũ, động viên lớn đối với các cơ sở đào tạo, giúp cho công tác đào tạo đáp ứng ngày càng tốt hơn cho việc cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển bền vững ngành Du lịch và kinh tế xã hội của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, đất nước nói chung.

Từ khóa: đào tạo nguồn nhân lực du lịch

Kể từ sau cuộc chiến tranh Thế giới lần thứ 2, Du lịch trên phạm vi toàn cầu đã phát triển nhanh chóng và trở thành một hiện tượng xã hội phổ biến. Từ chỗ ban đầu là hoạt động mang tính tâm linh của giới quý tộc, tầng lớp thượng lưu, đến nay du lịch đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống của mọi người dân. Ngày nay, ngành Du lịch thế giới có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với nhiều ngành kinh tế khác. Du lịch được coi là ngành kinh tế quan trọng giúp các nước đang phát triển đẩy nhanh mục tiêu phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và góp phần cải thiện đời sống cho người dân. Du lịch góp phần tạo ra hàng triệu cơ hội việc làm trực tiếp hay gián tiếp đối với các ngành có liên quan khác như vận tải, tài chính, nông nghiệp… Trong thời đại toàn cầu hóa, và hội nhập hiện nay, Du lịch đang trở thành nhịp cầu kết nối, giải quyết những bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo của các dân tộc trên toàn thế giới.

Những thập niên gần đây, Du lịch là một ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Du lịch phát triển góp phần tăng nguồn thu ngoại tệ cho các quốc gia và giải quyết nhiều công ăn việc làm cho xã hội; thúc đẩy sự phát triển của các ngành có liên quan như xây dựng, thương mại, sản xuất hàng tiêu dùng, bảo hiểm, giao thông vận tải, bưu chính – viễn thông… Hiện nay, hằng năm trên toàn cầu trung bình có trên 900 triệu lượt người đi du lịch. Con số này sẽ đạt hơn 1 tỉ vào năm 2010 và 1,6 tỉ vào năm 2020,1,8 tỉ lượt khách năm 2030,[1] trong đó 60% dòng khách đi du lịch có mục đích tìm hiểu nền văn hóa khác so với nền văn hóa nơi họ sinh sống. Du lịch đã trở thành ngành kinh tế quan trọng bậc nhất thế giới, xuất khẩu du lịch chiếm khoảng 30% xuất khẩu dịch vụ thương mại thế giới và 6% tổng xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ. “Với tư cách là ngành xuất khẩu, hiện nay du lịch đã vươn lên đứng vị trí thứ 4 sau ngành nhiên liệu, hoá dầu và sản xuất ô-tô” .

Vì hiệu quả to lớn đó, trước xu hướng hội nhập hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã chọn Du lịch là ngành ưu tiên phát triển số 1 trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của mình. Hội nghị Bộ trưởng Du lịch thế giới từ những thập niên 90 của thế kỷ XX tại Osaka (Nhật Bản) đã khẳng định: “Du lịch là nguồn lớn nhất tạo ra GDP và việc làm của thế giới, chiếm tới 1/10 mỗi loại, đồng thời đầu tư cho Du lịch và các khoản thu từ thuế liên quan tới Du lịch tương ứng cũng tăng cao. Những sự gia tăng này cùng với các chỉ tiêu khác của Du lịch dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng một cách vững chắc và như vậy Du lịch sẽ là đầu tàu kéo nền kinh tế thế giới trong thế kỷ 21”.

Tại Việt Nam ngành Du lịch đã có lịch sử phát triển 50 năm, nhưng chỉ thực sự phát triển nhanh vào những năm đầu của thập niên 90 của thế kỷ trước. Nếu so sánh với các ngành kinh tế khác, Du lịch được xếp vào một trong những ngành mới..

Từ khi Du lịch  được Đảng và Chính phủ xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, nó đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm qua. Năm 2001, Việt Nam mới thu hút được khoảng 2,3 triệu lượt khách quốc tế, thì đến năm 2008, con số này đã đạt 4,25 triệu lượt khách. Việt Nam hiện được xếp hạng thứ 6 trong 10 nước dẫn đầu về phát triển du lịch tốt từ 2007 – 2016.  Năm 2015, du lịch Việt Nam đón khoảng  trên 7,9  triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 57 triệu lượt khách du lịch nội địa, thu nhập du lịch đạt khoảng 337,8   tỷ đồng, tăng 6,2% so với 2014[2]

Các nhà chuyên môn đã nhấn mạnh: Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành liên vùng và xã hội hoá cao. Chất lượng của hoạt động du lịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tiềm năng tài nguyên du lịch, chất lượng của hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch và kết cấu hạ tầng, chính sách phát triển ngành Du lịch của Nhà nước, tình hình an ninh chính trị của đất nước, mức độ mở cửa và hội nhập của nền kinh tế. Phát triển du lịch nhanh và bền vững, thu hẹp dần khoảng cách với những quốc gia có ngành Du lịch phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu và toàn diện là yêu cầu cấp bách đặt ra cho ngành Du lịch Việt Nam. Điều này chỉ có thể thực hiện được nếu chúng ta có đội ngũ lao động chất lượng cao, số lượng đủ, cơ cấu hợp lý gồm đông đảo những nhà quản lý, những nhân viên du lịch lành nghề, những nhà khoa học công nghệ du lịch tài năng, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, tháo vát và có trách nhiệm cao. Phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ vừa cấp bách, có ý nghĩa chiến lược lâu dài quyết định tương lai phát triển của ngành Du lịch Việt Nam.

  1. Thực trạng nguồn nhân lực Du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh

Hiện nay, việc đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển nói chung & ngành du lịch nói riêng ngày càng trở thành yêu cầu cấp thiết. Theo dự báo của Tổng cục Du lịch Việt Nam trong hiện tại & những năm tới thì nhu cầu nhân lực của ngành Du lịch sẽ rất lớn, vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đã và đang là thách thức đối với Du lịch Việt Nam.

Trong xu thế hội nhập & phát triển, cùng với cả nước, thành phố Hồ Chí Minh – một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa lớn đã & đang góp phần quan trọng trong việc đào tạo ra một nguồn nhân lực đáp ứng về chất lượng, thỏa mãn nhu cầu của một thị trường đa dạng , năng động bậc nhất cả nước.

Với việc mở rộng hệ thống đào tạo đa ngành, đa cấp trong hệ thống các trường đại học thời gian gần đây đã phần nào đáp ứng được những đòi hỏi của thực tiễn, nhưng nhìn chung còn nhiều khiếm khuyết: Các cuộc hội thảo về “ Đào tạo nhân lực ngành Du lịch theo nhu cầu xã hội”  tại thành phố Hồ Chí Minh những năm qua, ngành Du lịch đã thừa nhận: nguồn nhân lực của ngành có trình độ đại học chỉ chiếm khoảng hơn 3%, trong tổng số hơn một triệu lao động của ngành [3].Vài năm gần đây, tuy các cơ sở đào tạo cũng đã “dốc lực” vào lĩnh vực này nhưng chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu. Bên cạnh đó, vấn đề chất lượng đào tạo cũng là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp Du lịch tại thành phố đặc biệt quan tâm. Có một số ý kiến nhận xét như: Kiến thức đào tạo chung chung, nặng về lý thuyết và chưa sát thực tiễn, các kỹ năng nghiệp vụ vừa thiếu lại vừa yếu, đạo đức nghề nghiệp chưa thật sự được chú ý đúng mức… phần lớn các doanh nghiệp khi nhận sinh viên mới ra trường vẫn phải tiến hành đào tạo lại [4].Theo khảo sát của một số công ty du lịch, có tới 30 – 45% hướng dẫn viên du lịch, điều hành tour và 70 -80% nhân viên lễ tân nhà hàng không đạt chuẩn ngoại ngữ [5].Từ đó, dẫn đến thực tế là nguồn nhân lực của ngành “thừa nhưng vẫn thiếu”.

2.Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực Du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh trước nhu cầu hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN

Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm thu hút khách du lịch lớn nhất nước, với lượng khách quốc tế vào  thành phố  chiếm khoảng 57% số khách du lịch quốc tế vào Việt Nam (2015). Tốc độ tăng trưởng trung bình khách quốc tế hàng năm khỏang trên 10%; lượng khách du lịch nội địa cũng tăng đều hàng năm với tốc độ trung bình trên 15% năm [6]. Trong những năm qua ngành du lịch luôn giữ vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của Tp Hồ Chí Minh.

Đứng trước nhu cầu phát triển đó, việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu cho ngành đã và đang được các cấp, các ngành liên quan tại thành phố quan tâm. Thời gian gần đây, nhiều cấp độ, nhiều hình thức đào tạo nhân lực cho lĩnh vực du lịch đã được mở. Hiện thành phố Hồ Chí Minh có gần 60/284 cơ sở đào tạo của cả nước với số lượng tuyển sinh hàng năm gần bằng 50% số lượng tưyển sinh của cả nước. Cụ thể: Trường đào tạo du lịch

STT Loại hình đào tạo Số lượng trường Chỉ tiêu đào tạo
1 Đại học 16 2600
2 Cao đẳng 13 500
3 Trung cấp 21 5000
4 Trung tâm 6 2000
5 Phổ thông – Hướng nghiệp 0 0
Tổng cộng: 56

10.010

(Gần bằng 50% của cả nước)

Nhìn chung: so với cả nước, mặt bằng đào tạo nguồn nhân lực du lịch của thành phố Hồ Chí Minh cao hơn mặt bằng chung; các cơ sở đào tạo cơ bản đã đáp ứng nhu cầu cơ bản của các ngành, nghề cho du lịch; đội ngũ giảng viên tham gia quá trình đào tạo đều là những người có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực Du lịch hoặc dịch vụ Du lịch, họ là những người năng động trong họat động kinh doanh Du lịch nên luôn chú trọng đến việc rèn kỹ năng thực hành nghề cho sinh viên thông qua việc gắn quá trình đào tạo với việc tổ chức các họat động thực tiễn tại các cơ sở dịch vụ Du lịch hoặc doanh nghiệp Du lịch, nhằm giúp cho sản phẩm đào tạo của mình đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

  1. Những bất cập trong công tác đào tạo nhân lực Du lịch tại thành phố – một số giải pháp khắc phục:

Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh về nhu cầu nhân lực 9 nhóm ngành kinh tế dịch vụ trọng điểm tại TP. HCM giai đoạn 2013 – 2015 -2020, nhu cầu nhân lực khối ngành du lịch chiếm tỉ trọng 8% trong tổng số nhu cầu nhân lực (khoảng 21.600/năm) và có cơ cấu về trình độ đào tạo như sau:

STT Trình độ Tỉ lệ (%) Số người
1 Đại học – Trên ĐH 10 5.100
2 Cao đẳng – Trung cấp 50 25.500
3 Sơ cấp 30 15.300
4 Chưa qua đào tạo 10 5.100
Tổng cộng: 100 51.000

(Nguồn: tính toán của nhóm nghiên cứu Viện Kinh tế TP.HCM)

Như vậy nhóm ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn là một trong 12 nhóm ngành cần nhiều lao động tại TP. HCM. Vấn đề đặt ra là phải chú trọng đầu tư vào việc đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu của thực tiễn.

  1. Mặc dù thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều cố gắng để từng bước hoàn thiện công tác đào tạo nhằm đáp ứng thực tiễn phát triển của ngành, nhưng thực tế vẫn còn nhiều bất cập:
    • Cơ cấu, chỉ tiêu đào tạo chưa thật hợp lý giữa các loại hình, các nghề của ngành Du lịch
    • Nguồn nhân lực được đào tạo chưa thật sự đạt chuẩn; một số cơ sở đào tạo chưa thật chú ý đến đào tạo nguồn nhân lực trình độ và chất lượng tay nghề cao
    • Trong quá trình tiến hành đào tạo khung chương trình tuy đã được thiết kế theo hướng gắn giữa lý thuyết với nhu cầu thực tiễn xã hội, nhưng quĩ thời gian dành cho họat động thực hành của cả giảng viên và sinh viên chưa thật sự hợp lý. Từ đó đưa đến việc đào tạo ra nguồn nhân lực còn khiếm khuyết những kỹ năng cơ bản: khả năng tư duy độc lập, tư duy phản biện, giao tiếp, ngoại ngữ, xử lý tình huống, khả năng liên kết làm việc nhóm…
    • Một bất cập lớn nữa là giữa ngành Giáo dục – Đào tạo và Tổng cục Du lịch chưa có sự thống nhất để đưa ra đầy đủ hệ thống mã ngành, mã nghề đào tạo Du lịch, mặc dù Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng đã đưa ra bộ “ Tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam” làm tài liệu chuẩn phục vụ việc giảng dạy chung cho các cơ sở đào tạo nhằm đáp ứng cho công tác quản lý nhà nước về Du lịch. Tuy nhiên, bộ tài liệu này chưa được các loại hình cơ sở đào tạo du lịch áp dụng đồng bộ.Từ đó, gây không ít khó khăn cho sản phẩm được đào tạo trong quá trình tìm việc làm khi ra trường.
  2. Từ thực tế trên, theo chúng tôi muốn thực hiện việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu xã hội, cần phải có những giải pháp đồng bộ từ nhiều phía:
    • Trước hết cần có sự phối hợp các bộ phận liên quan như Bộ Giáo Dục – Đào Tạo và Tổng cục Du Lịch, Sở Du Lịch thống nhất xây dựng hệ thống mã ngành, nghề đào tạo nguồn nhân lực Du lịch , thống nhất các tiêu chí chung trong đào tạo nhân lực ngành du lịch làm cơ sở để hoàn chỉnh, thống nhất giáo trình giảng dạy đạt chuẩn khu vực, quốc tế.
    • Có sự qui họach, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực cho từng vùng kinh tế đặc biệt các vùng trọng điểm như thành phố Hồ Chí Minh.
    • Các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực Du lịch của thành phố nói riêng, cả nước nói chung phải có kế họach xây dựng và nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ giảng viên, từng bước hình thành đội ngũ chuyên sâu, am hiểu kỹ năng nghiệp vụ Du lịch của khu vực và quốc tế. Muốn vậy, phải tăng cường trao đổi và tạo điều kiện cho đội ngũ học hỏi kinh nghiệm đào tạo Du lịch giữa các cơ sở đào tạo trong và ngòai nước để kịp thời nắm bắt những kiến thức thực tiễn và yêu cầu từ các doanh nghiệp Du lịch… nhằm giúp cho sản phẩm đào tạo của mình đáp ứng sự đòi hỏi của xã hội trước xu hướng hội nhập hiện nay.
    • Để nâng cao chất lượng đào tạo cho nguồn nhân lực du lịch, theo tôi cần có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực Du lịch và doanh nghiệp Du lịch – nơi sử dụng sản phẩm đào tạo từ các trường tại thành phố HCM & phạm vi toàn quốc các. Vì thế cần tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo để xác định rõ nhu cầu từ đó xây dựng mục tiêu, nội dung đào tạo phù hợp theo tình hình thực tiễn. Chỉ có thế các doanh nghiệp mới trở thành người “cấy trồng”, “thâm canh” chứ không phải là người “hái lượm” như không ít quan niệm của các doanh nghiệp hiện tại.
    • Hơn nữa quá trình đào tạo nguồn nhân lực cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ba nhà: cơ quan quản lý nhà nước – doanh nghiệp – nhà trường làm sao cho chính sách, thực tế & đào tạo sử dụng hợp lý phù hợp với nhu cầu xã hội, thị trường. Bởi chính thị trường là nơi đánh giá chính xác nhất thành quả của công tác đào tạo.

Chúng tôi cũng hy vọng với sự phối hợp, quan tâm đúng mức của các cấp, ngành sẽ là nguồn cổ vũ, động viên lớn đối với các cơ sở đào tạo, giúp cho công tác đào tạo đáp ứng ngày càng tốt hơn cho việc cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển bền vững ngành Du lịch và kinh tế xã hội của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, đất nước nói chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguồn: http:// www3.vietnamnet.vn/giaoduc/2008/03/772361
  2. Thanh Sơn, “Nhân lực ngành Du lịch Việt nam – thừa mà thiếu”, Báo lao động số 160 ( 15/07/2006)
  3. Trần Anh Tuấn – Phó GĐ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực , BC tại HT nhu cầu đào tạo & thành lập HĐ Hiệu trưởng các cơ sở ĐT khối ngành DL trên địa bàn Tp HCM)
  4. Lã Quốc Khánh, Báo cáo:mộtsốvấnđềvềđào tạo nhân lực Du lịchthành phố Hồ Chí Minh” (2010)
  5. Hiệp hội Du lịch TP.HCM – sở VH – TT và Du lịch TP.HCM (10/2009) , tài liệu Hội nghị về “ Đào tạo nguồn nhân lực ngành Du lịch Tp. HCM giai đọan 2010 – 2020” tại TP.HCM
  6. Phạm T Thu Nga,”Đào tạo nguồn nhân lực ngành Văn hóa – Du lịch tại trường ĐHSG, kỉ yếu hội thảo KH toàn quốc về “ Đào tạo nguồn nhân lực ngành VHDL trong xu thế hội nhập & phát triển”(2009)
  7. Nguyễn Đình Hòe, Vũ Văn Hiếu, (2001), Du lịch bền vững, NXB ĐHQG.

[1]Viettrade.gov.vn , Tình hình & xu hướng phát triển du lịch thế giới

[2] Theo số liệu của Tổng cục Thống kê – Tổng cục Du lịch

[3]Nguồn: http:// www3.vietnamnet.vn/giaoduc/2008/03/772361

[4]Thanh Sơn, “Nhân lực ngành Du lịch Việt nam – thừa mà thiếu”, Báo lao động số 160 ( 15/07/2006)

[5] Trần Anh Tuấn – Phó GĐ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực , BC tại HT nhu cầu đào tạo & thành lập HĐ Hiệu trưởng các cơ sở ĐT khối ngành DL trên địa bàn Tp HCM)

Tiến sỹ  PHẠM THỊ THU NGA, Khoa  DL – KS  Đại học HUFLIT
ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN