Thực trạng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch

Huy Hoàng
Trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Du lịch Việt Nam đang gặp những thách thức về nhiều mặt, trong đó có yếu tố về nhân lực.

Nhiều năm qua, ngành Du lịch đã có những cố gắng trong việc phát triển nhân lực và đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại cần giải quyết. Bài viết đã nêu thực trạng về nguồn nhân lực của ngành Du lịch Việt Nam hiện nay, đồng thời đề xuất một số giải pháp để nguồn nhân lực ngành Du lịch Việt Nam ngày càng phát triển, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

Từ khóa: nguồn nhân lực, ngành du lịch, đào tạo.

1. Đặt vấn đề
Ngành Du lịch Việt Nam hiện đang thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực. Theo thống kê, mỗi năm ngành Du lịch cần đến 40.000 lao động, tuy nhiên, nguồn lực cung cấp được chỉ là 20.000 nhân lực, trong đó chủ yếu là trình độ trung cấp, sơ cấp và đào tạo ngắn hạn. Chính vì vậy, để phát triển ngành Du lịch Việt Nam, nâng tầm chất lượng hình ảnh du lịch với du khách trong và ngoài nước, ngành Du lịch cần được phát triển mạnh mẽ, trong đó vấn đề quan trọng nhất là phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu công việc.

2. Thực trạng nguồn nhân lực ngành Du lịch
2.1. Về ưu điểm
Số lượng nhân lực ngành Du lịch có xu hướng tăng, phản ánh vai trò quan trọng của ngành và tính hiệu quả của công tác xã hội hóa hoạt động du lịch. Nhìn chung, nhân lực ngành Du lịch được rèn luyện, thử thách, có bản lĩnh chính trị vững vàng; năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách đổi mới và phát triển du lịch của Đảng và Nhà nước; có ý thức trách nhiệm, nhiệt tình và tâm huyết với nghề nghiệp, gắn bó với cơ quan, đơn vị, với ngành và đất nước.

Nhân lực ngành Du lịch cũng là một trong những nhân tố quan trọng đóng góp vào thành tựu xây dựng phát triển Ngành trong 50 năm qua; bước đầu xây dựng được thương hiệu Du lịch Việt Nam và những sản phẩm du lịch mang lại giá trị mới cho đất nước và xã hội. Trình độ kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ và năng lực quản lý nhà nước, nghiên cứu, đào tạo, quản trị kinh doanh ngày một nâng cao. Phần lớn được rèn luyện và thử thách trong thực tiễn.

Bên cạnh những cán bộ công tác lâu năm, có nhiều cống hiến và những nhà khoa học, chuyên gia, nghệ nhân tuy tuổi cao, vẫn tiếp tục sự nghiệp sáng tạo và cống hiến, đã xuất hiện những lao động trẻ, được đào tạo cơ bản, năng động, tự tin, dám nghĩ, dám làm, trình độ nhiều mặt và năng lực, cống hiến ngày một nâng cao, cố gắng tìm tòi cái mới, hoàn thành tốt nhiệm vụ, tiếp thu nhanh kiến thức mới và có ý chí vươn lên lập thân, lập nghiệp.

2.2. Về hạn chế
Nhân lực ngành Du lịch còn nhiều mặt chưa đáp ứng nhiệm vụ phát triển du lịch khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và yêu cầu phát triển nền kinh tế tri thức. Số lượng nhân lực còn ít, cơ cấu chưa đồng bộ và năng lực thực tiễn chưa tương xứng với bằng cấp. Nhân lực có trình độ, tay nghề cao chưa nhiều và ngày càng thiếu những cán bộ đầu đàn làm nòng cốt đào tạo nhân lực trẻ.

Kiến thức hội nhập, ngoại ngữ, tin học; năng lực sáng tạo, lãnh đạo, quản lý, quản trị và kinh nghiệm thực tiễn còn hạn chế chưa tương ứng với yêu cầu phát triển của Ngành.

Một bộ phận nhỏ chưa tích cực tự học, còn ngại học, kết quả làm việc không cao. Nhiều lĩnh vực chuyên môn sâu còn thiếu nhiều nhân lực. Nguồn nhân lực ngành Du lịch hiện đang cần bổ sung ở một số vị trí như cán bộ quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, quản trị kinh doanh, chuyên gia hoạch định chính sách, nghiên cứu chiến lược phát triển Ngành; đặc biệt thiếu chuyên gia đầu ngành giỏi kỹ thuật,
nghiệp vụ du lịch.

Bên cạnh những ưu điểm, hạn chế chung nêu trên, nhân lực khối quản lý nhà nước, sự nghiệp và kinh doanh có những ưu điểm và hạn chế riêng. Đó là:

Nhân lực khối quản lý nhà nước và sự nghiệp du lịch đã phát huy được năng lực, sử dụng kiến thức được đào tạo và kinh nghiệm tích lũy trong quá trình công tác vào nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn phát triển du lịch trên thế giới và trong nước để hoạch định chính sách, xây dựng hoặc góp ý xây dựng, tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách phát triển du lịch của Đảng và Nhà nước; văn bản quy phạm pháp luật; chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển ngành, lĩnh vực; quy hoạch vùng, trung tâm, quy hoạch phát triển du lịch các địa phương; kế hoạch, đề án và chương trình hành động quốc gia về du lịch đạt hiệu quả. Nghiên cứu, phát hiện và đề xuất khá kịp thời với Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và hệ thống chính trị thông qua các đề án, đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp bộ, cấp tỉnh và các biện pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển du lịch, nhất là vào những thời điểm cần thiết và khó khăn.

Mặc dù vậy, số cán bộ làm việc có hiệu quả cao và say mê, tận tụy với công việc chưa nhiều, thiếu những công chức, viên chức giỏi. Không ít cán bộ trình độ kiến thức, năng lực lãnh đạo, quản lý hạn chế, việc cập nhật thông tin lý luận và thực tiễn chưa kịp thời nên chưa gắn bó thường xuyên với cơ sở. Một số chưa mạnh dạn trong phản biện xã hội, thiếu tinh thần hợp tác và phối hợp. Nhân lực khối kinh doanh du lịch nhiệt huyết, năng động; từng bước được đào tạo và tự đào tạo nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học và kiến thức pháp luật quốc tế để kinh doanh, hội nhập; thích ứng nhanh với cơ chế mới, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu quả làm việc; gắn bó với doanh nghiệp, đóng góp tích cực trong xây dựng hình ảnh, thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, còn một bộ phận nhân lực có ít kinh nghiệm, năng lực hạn chế, kinh doanh kém hiệu quả; chưa khai thác mang tính bền vững những lợi thế của đất nước về du lịch để nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng văn hoá doanh nghiệp;... Nhân lực du lịch trong doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau có độ chênh trình độ kỹ năng khá lớn. Nhân lực trong các doanh nghiệp liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài thường được đào tạo bài bản, trình độ chuyên môn nghiệp vụ hầu hết đạt tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là trình độ nghiệp vụ của nhân lực thuộc các doanh nghiệp tư nhân, có nơi đến 80% nhân lực chưa qua đào tạo chuyên sâu về du lịch.

3. Một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành Du lịch
Một là, tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức trong toàn ngành về cách mạng công nghệ số với ngành Du lịch. Việc tiếp cận và áp dụng những thành tựu công nghệ của cách mạng công nghệ số với ngành Du lịch là xu thế chung của du lịch toàn cầu mà Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Mỗi người lao động trong ngành cần tích cực học hỏi, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ - đặc biệt là kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ trong công việc, sẵn sàng tiếp cận và sử dụng công nghệ mới phục vụ công việc của bản thân. Các cơ quan quản lý du lịch các cấp, cơ quan truyền thông đại chúng đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của đội ngũ người lao động, khách du lịch và cộng đồng về cách mạng công nghệ số với ngành Du lịch; tăng cường các lớp tập huấn, bồi dưỡng, tổ chức hội nghị, hội thảo về cách mạng công nghệ số với ngành Du lịch cũng là những biện pháp tích cực để nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy cho lực lượng lao động toàn ngành.

Hai là, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về phát triển nguồn nhân lực ngành Du lịch. Rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến cách mạng công nghệ số với ngành Du lịch nói chung và phát triển nguồn nhân lực ngành Du lịch nói riêng cho phù hợp với bối cảnh, tình hình mới. Có chính sách hỗ trợ, nâng cao năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề du lịch trong cả nước gắn với việc ứng dụng công nghệ tiên tiến; Đảm bảo hài hòa giữa chính sách thuyên giảm biên chế với chính sách tuyển mộ nguồn nhân lực chất lượng cao cho các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch các cấp; Có cơ chế đãi ngộ tốt và cơ chế thu hút hiền tài cho ngành Du lịch. Tạo thuận lợi về điều kiện công tác, môi trường làm việc cho nguồn nhân lực có trình độ cao về công nghệ trong ngành Du lịch. Có cơ chế khuyến khích, khen thưởng kịp thời đối với người lao động trong ngành có ý tưởng đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu, áp dụng những thành tựu công nghệ tiên tiến nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả trong công việc.

Ba là, tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến trong các hoạt động du lịch. Đối với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch các cấp, cần hoàn thiện và triển khai đồng bộ Chính phủ điện tử, thực hiện thủ tục hành chính điện tử, dịch vụ công trực tuyến, số hóa - công nghệ hóa các hoạt động quản lý chuyên môn; đối với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần tích cực triển khai thương mại điện tử, đẩy mạnh các loại hình kinh doanh trực tuyến, hình thành và thu hút sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp đối với hệ thống các sàn giao dịch du lịch điện tử; đối với khách du lịch, khuyến khích sử dụng các dịch vụ trực tuyến, sử dụng các phần mềm, tiện ích thông minh trên các thiết bị di động thông minh, sử dụng các hình thức thanh toán điện tử.

Bốn là, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo và đào tạo lại cho nguồn nhân lực du lịch nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng về cách mạng công nghệ số với ngành Du lịch; nâng cao năng lực sử dụng công nghệ thông tin trong công việc của người lao động ngành Du lịch; nâng cao trình độ, hiểu biết của người lao động về những công nghệ nguồn, công nghệ cốt lõi của cách mạng công nghệ số và khả năng ứng dụng vào ngành Du lịch. Đổi mới chương trình, phương pháp và nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở đào tạo du lịch trong cả nước để đảm bảo nguồn nhân lực trong tương lai (sau khi người học tốt nghiệp) có thể đáp ứng ngay các vị trí việc làm với yêu cầu về trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ trong công việc.

Năm là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trao đổi chuyên gia, nhà khoa học, cử học sinh, sinh viên và người lao động đi học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ về công nghệ ở nước ngoài, học hỏi kinh nghiệm ứng dụng công nghệ tiên tiến với phát triển du lịch. Liên kết, phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, đồng thời phối hợp giữa các cơ sở đào tạo du lịch với doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch, đảm bảo nguồn nhân lực vừa chắc chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ nghề du lịch vừa chắc kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ trong công việc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2017), Cách mạng công nghiệp lần thứ tư - thời cơ và thách thức đối với Việt Nam, NXB Lý luận Chính trị, Hà Nội, tr.68.
Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (2019), Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Xu hướng phát triển của du lịch thế giới và tác động đối với du lịch Việt Nam”, Hà Nội.
Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (2019), Dự thảo “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035”, Hà Nội.

THS. VŨ THÀNH LONG (Khoa Tài chính Ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)
ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN