Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập nhanh với khu vực và thế giới, Việt Nam vừa gia nhập TTP (Hiệp định đối tác thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương) và “Du lịch” là một trong tám (08) ngành nghề nằm trong thỏa thuận các ngành nghề sẽ được thừa nhận lẫn nhau trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN ra đời vào cuối năm nay (MRA-TP) thì việc đào tạo nhân lực cho lĩnh vực này tại nước ta càng cần được quan tâm, chú trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch nói chung và mỗi doanh nghiệp nói riêng
Thành phố Hồ Chí Minh (viết tắt: TP.HCM) là đô thị lớn nhất nước ta, một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kĩ thuật quan trọng của cả nước. Với vị trí tâm điểm của khu vực Đông Nam Á, TP.HCM là một đầu mối giao thông quan trọng về cả đường bộ, đường thủy và đường không, nối liền các tỉnh trong vùng và còn là một cửa ngõ quốc tế. Bên cạnh đó, thành phố Hồ Chí Minh cũng là trung tâm du lịch lớn nhất nước. Trong giai đoạn 2006 – 2014, Thành phố đã đón khoảng 60% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Doanh thu du lịch của Thành phố chiếm trên 43% doanh thu du lịch cả nước và đóng góp 11% vào GDP của Thành phố (Viện NCPT Du lịch, 2015). Bên cạnh lượng khách quốc tế thì lượng khách nội địa cũng tăng nhanh chóng, năm 2014 Thành phố đón 17,6 triệu lượt khách nội địa, chiếm gần 46% số khách nội địa của cả nước (TCDL, 2015). Số lượng doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú và ăn uống trên địa bàn Thành phố cũng tăng nhanh qua các năm. Chỉ tính riêng cơ sở lưu trú, năm 2010 Thành phố có 1.461 cơ sở với 34.181 phòng thì đến năm 2014 số liệu này là 1.988 cơ sở với 46.929 phòng (Sở DL TP.HCM, 2015). Sự phát triển nhanh của hoạt động du lịch tại Thành phố đã đặt ra nhu cầu đòi hỏi tất yếu về việc cung cấp số lượng lớn nguồn nhân lực cho ngành du lịch. Nhưng theo đánh giá hiện nay công tác đào tạo nhân lực du lịch của các cơ sở đào tạo trên địa bàn Thành phố vẫn còn nhiều hạn chế, vừa thiếu lại vừa yếu. Đặc biệt, thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch (MRA-TP) sẽ chính thức có hiệu lực trong Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, trong đó có việc triển khai MRA-TP tạo thuận lợi cho việc dịch chuyển lao động tác động đến tất cả các đối tượng trong ngành Du lịch. Để tranh thủ được cơ hội, lợi ích từ MRA-TP và quá trình hội nhập du lịch ASEAN đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động của cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, doanh nghiệp du lịch, cơ sở đào tạo du lịch và người lao động thông qua việc tăng cường phát triển chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cơ sở đào tạo du lịch. Nghiên cứu này đi sâu vào việc phân tích và khảo sát doanh nghiệp du lịch về thực trạng và yêu cầu của công tác đào tạo nhân lực du lịch hiện nay tại TP.HCM để từ đó đưa ra những giải pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo trong thời kỳ hội nhập ASEAN.
Cơ sở dữ liệu nghiên cứu
Số liệu sơ cấp trong bài viết chủ yếu được lấy từ cuộc điều tra trong năm 2013 và 2014 của chúng tôi tại 39 đơn vị du lịch (số lượng phiếu thu về sau khi loại đi những mẫu hỏng là 97 phiếu). Nguồn dữ liệu thứ cấp được lấy từ niên giám thống kê, báo cáo của Đảng bộ và UBND thành phố Hồ Chí Minh, của Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, số liệu từ các bài nghiên cứu trên các tạp chí, hội thảo khoa học, trong đó có số liệu trong báo cáo “nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh” của tác giả tại Hội thảo Phát triển NNL chất lượng cao theo yêu cầu tái kinh tế ở TP.HCM năm 2015.
Kết quả nghiên cứu và thảo luận
3.1. Thực trạng công tác đào tạo nhân lực du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh
Lực lượng lao động trong ngành Du lịch của TP.HCM trong thời gian gần đây cũng tăng đáng kể và chiếm tỷ trọng khá lớn trong lực lượng lao động của Thành phố. Theo báo cáo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, năm 2010 lực lượng lao động trực tiếp trong ngành Du lịch của Thành phố là 41.641 người, đến cuối năm 2014 là 81.000 người, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân từ 2010 đến 2014 là 18,09%/năm. Cơ cấu về số lượng lao động trong từng lĩnh vực năm 2014 thì chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là lao động trong ngành khách sạn (chiếm 53%), lữ hành (chiếm 30%) còn lại là các lĩnh vực khác (chiếm 17%) (Sở DL TP.HCM, 2015).
Biểu đồ 1.1: Tăng trưởng lao động bình quân theo lĩnh vực tại
TP.HCM từ năm 2010 – 2014
(Nguồn: Sở Du lịch TPHCM, 2015)
Mặc dù số lượng lao động tăng nhanh, tuy nhiên theo đánh giá thì việc bổ sung nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu hiện có, đặc biệt trong số lao động tham gia vào ngành du lịch hàng năm vẫn còn một số lượng lao động lớn chưa qua đào tạo. Tại thành phố Hồ Chí Minh tính đến cuối năm 2014 có 54 cơ sở đào tạo về du lịch nhưng mới chỉ đáp ứng trên 60% nhu cầu đào tạo của ngành (Viện NCKT TP.HCM, 2013). Theo thống kê của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, giai đoạn 2013 – 2020, nhu cầu nhân lực ngành du lịch chiếm tỉ trọng 8% tổng số nhu cầu (khoảng 21.600 lao động/năm), trong đó khoảng 3% có trình độ trên ĐH; 11% trình độ ĐH, CĐ; 23% có trình độ TCCN; 30% sơ cấp nghề và 28% chưa qua đào tạo. Trong khi hiện nay năng lực của các cơ sở đào tạo tại Thành phố chỉ có thể cung ứng khoảng 15.000 sinh viên/năm (Lã Quốc Khánh, 2013). Đó là chưa kể số lao động chuyển đi làm việc tại các địa phương khác trong cả nước. Điều này đang đặt ra nhu cầu cấp bách cho việc đào tạo đủ nguồn nhân lực cung cấp cho ngành du lịch.
Bên cạnh việc thiếu về số lượng đào tạo thì chất lượng đào tạo du lịch cũng là vấn đề đáng quan tâm. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì chất lượng đào tạo của nhiều cơ sở đào tạo vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển, đặc biệt là đào tạo các kỹ năng nghề nghiệp. Nhiều lao động dù được đào tạo bài bản về du lịch ở các trường ĐH, CĐ nhưng khi được tuyển dụng vào nhiều công ty đều phải đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung nghiệp vụ, ngoại ngữ và các kỹ năng khác… (Sở DL TP.HCM, 2013). Trong điều tra năm 2013, 2014 của chúng tôi tại 39 đơn vị (gồm: 16 khách sạn và khu du lịch, 11 chi nhánh và công ty lữ hành, 12 nhà hàng lớn) với đối tượng điều tra là cán bộ quản lý, cán bộ đào tạo (training) tại các đơn vị. Khi đánh giá về “năng lực nghề” (kiến thức, kỹ năng, thái độ) của sinh viên mới tốt nghiệp ra trường thì có đến 41,2% cho rằng khâu yếu nhất là kỹ năng; 29,3% là thái độ; 26,4% là kiến thức và 3,1% không có ý kiến (Nguyễn Quyết Thắng, 2015). Đối với ngành du lịch, việc trang bị cho sinh viên kiến thức và thái độ là rất quan trọng, nhưng một trong những yêu cầu của doanh nghiệp là đào tạo cho sinh viên những kỹ năng để sinh viên ra trường có thể áp dụng và thực hành được nghề nghiệp đào tạo. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những khâu yếu của nhiều cơ sở đào tạo ngành du lịch. Riêng về phần kỹ năng đối với hai câu hỏi: (1) Những kỹ năng nào là quan trọng đối với sinh viên ngành du lịch cần được trang bị khi ra trường?”; (2) Những kỹ năng nào mà sinh viên vừa tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo du lịch làm việc tại đơn vị Ông/Bà thường yếu nhất? Kết quả thu được như sau:
Điều tra trên có thể chưa toàn diện nhưng một phần nào đó nó cũng cho chúng ta thấy yêu cầu đòi hỏi của các doanh nghiệp du lịch đối với kỹ năng của sinh viên. Trong đó, kỹ năng ngoại ngữ được cho rằng là cần thiết nhất (số phiếu là 99,1%) nhưng cũng là kỹ năng yếu nhất của sinh viên nhiều trường vừa tốt nghiệp (số phiếu 82.6%). Đây là kỹ năng rất cần thiết để người lao động ngành du lịch được phép luân chuyển theo Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN. Một số nước như Malaysia, Thái Lan, Indonesia đã có những bước chuẩn bị khá tốt cho việc hội nhập với sự chuẩn bị chu đáo về ngoại ngữ và kỹ năng làm việc cho người lao động. Đây là lực lượng đáng gờm của lao động của Việt Nam.
Riêng kỹ năng nghề du lịch số phiếu được cho là cần thiết chiếm khá cao là 98.7% tuy nhiên khi trao đổi với doanh nghiệp thì nhiều doanh nghiệp cho rằng kỹ năng này có thể bổ sung nhanh hơn so với kỹ năng ngoại ngữ và thông thường sinh viên vừa mới tốt nghiệp vào đơn vị thường được đào tạo lại nghề theo “văn hóa” riêng của đơn vị. Một số kỹ năng quan trọng khác mà sinh viên cũng rất yếu là kỹ năng giao tiếp (59,4%), kỹ năng làm việc nhóm (48,5%)… Đánh giá chung về chất lượng đào tạo hiện nay của các cơ sở đào tạo ngành du lịch tại Tp.HCM có đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp du lịch hay không thì theo điều tra thì chỉ có 6,1% là đánh giá tốt, 14,8% đánh giá khá, còn lại có đến 31,7% là yếu và 11,3% là chưa đáp ứng yêu cầu. Điều này bắt buộc doanh nghiệp phải đào tạo lại mất rất nhiều thời gian.
Biểu đồ 1.3: Điều tra về chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo về du lịch
(Nguồn: Điều tra của tác giả năm 2013, 2014)
Đi sâu vào thảo luận, trao đổi với cán bộ quản lý, lãnh đạo các khoa, các đơn vị và giảng viên tại các trường có đào tạo về du lịch, chúng tôi thầy có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên nhưng nổi lên có một số nguyên nhân chính sau:
– Thứ nhất, công tác quản lý nhà nước về du lịch ở nước ta nói chung và TP.HCM nói riêng vẫn còn nhiều bất cập, nhất là công tác quy hoạch, định hướng phát triển nhân lực ngành và phát triển các cơ sở đào tạo vẫn còn hạn chế và khá manh mún, thiếu đống bộ. Điều này làm cho các cơ sở đào tạo rất khó định hướng trong việc đầu tư phát triển các hoạt động đào tạo về các khối ngành trong lĩnh vực du lịch của đơn vị mình.
– Thứ hai, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý trong đào tạo lĩnh vực du lịch tại thành phố hiện nay còn chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Lực lượng giáo viên, giảng viên từ nhiều nguồn khác nhau đa dạng và không đúng chuyên ngành. Theo điều tra của chúng tôi năm 2013 tại 03 trường đại học, 02 trường cao đẳng và 02 trường trung cấp thì có trên 60% giảng viên đang tham gia giảng dạy về du lịch phần lớn tốt nghiệp các ngành khác thuộc khối kinh tế và các ngành khoa học xã hội – nhân văn nhưng có kinh nghiệm và đã từng làm việc về du lịch. Rất ít giảng viên có bằng đại học chính quy và thạc sĩ thuộc lĩnh vực du lịch (Nguyễn Quyết Thắng, 2014). Trong một vài năm trở lại đây, một số giảng viên mới được đào tạo về lĩnh vực du lịch từ các nước phát triển về tham gia giảng dạy, các giảng viên này phần lớn có kiến thức và phong cách làm việc chuyên nghiệp song còn trẻ và ít kinh nghiệm. Nhiều giảng viên còn hạn chế về trình độ ngoại ngữ và phương pháp sư phạm hiện đại trong khi yêu cầu về kiến thức, kỹ năng trong giảng dạy bậc cao đẳng, đại học và sau đại học ngày càng cao. Ngoài ra, nhiều giảng viên chỉ quan tâm đến việc giảng dạy lý thuyết mà ít quan tâm đến việc giảng dạy kỹ năng, thái độ sống cho sinh viên…
– Thứ ba, sự thiếu hụt trầm trọng các cơ sở đào tạo đại học và sau đại học chuyên ngành du lịch. Thêm vào đó, chương trình giảng dạy của một số cơ sở đào tạo vẫn còn chắp vá, ít yếu tố mới. Ngoại trừ hệ dạy nghề (trung cấp, cao đẳng nghề) có ban hành khung chương trình đào tạo; còn hệ đào tạo chuyên nghiệp, đặc biệt ở bậc đại học vẫn chưa có định hướng cho việc xây dựng khung chương trình đào tạo nên mỗi trường đều đưa ra chương trình đào tạo riêng, rất khác biệt nhau. Nội dung nhiều chương trình đào tạo chưa gắn kết với thực tiễn ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
– Thứ tư, việc đầu tư cơ sở thực hành về du lịch của nhiều trường còn rất yếu, do đó đã hạn chế việc thực hành nghề của sinh viên. Ngoài ra, sự phối hợp chia sẻ trách nhiệm giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo thực hành còn yếu dẫn tới chất lượng đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
3.2. Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch
Trước thực trạng trên để có thể nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại TP.HCM cần phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ. Đặc biệt, cần phải có chính sách và cơ chế nhằm gắn kết giữa ba (03) nhà: Nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo chúng tôi trước mắt cần tập trung vào một số giải pháp sau:
3.2.1. Xây dựng chính sách và tạo cơ chế cho việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao.
Thành phố cần xây dựng các chính sách, định hướng cho phát triển nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành du lịch. Đồng thời, chú trọng đến việc đảm bảo sự liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước, Nhà trường và doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân lực có chất lượng cho ngành Du lịch. Đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn giáo viên giảng dạy về du lịch v.v… Muốn làm được điều này, thành phố nên xem xét một cơ chế đặc thù cho việc đào tạo về du lịch như dành nhiều chỉ tiêu đào tạo về du lịch ở nước ngoài (trong đề án đào tạo thạc sỹ, tiến sĩ của Thành phố); có chính sách hỗ trợ các trường được đào tạo sau đại học về du lịch đóng trên địa bàn thành phố v.v…
3.2.2. Xúc tiến thành lập “Ban phát triển nguồn nhân lực du lịch” và mạng lưới các trường đào tạo ngành du lịch trên địa bàn thành phố
Nhằm tạo lực đẩy và hỗ trợ các cơ sở đào tạo về du lịch trong việc định hướng đào tạo, phát triển chương trình đào tạo, đào tạo giảng viên, phát triển cơ sở vật chất v.v… đã đến lúc cần thành lập “Ban phát triển nguồn nhân lực du lịch” của Thành phố. Kinh nghiệm của nhiều nước như Thái Lan vào thập niên 80, 90 của TK 20, người ta cũng thành lập “Ủy ban phát triển nguồn nhân lực du lịch” trực thuộc Cục Du lịch Thái Lan (TAT) nhằm hỗ trợ công tác đào tạo nhân lực cho giai đoạn phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp du lịch ở nước này (Thavarasukha, 2002). Tại Indonesia người ta cũng thành lập các “Ban phát triển nhân lực” tại các vùng có du lịch phát triển (Nguyễn Quyết Thắng, 2010) v.v…
Ngoài ra, cần nhanh chóng thành lập hiệp hội các trường có đào tạo du lịch trên địa bàn Thành phố nhằm nối kết thông tin, tạo sự hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau giữa các cơ sở có đào tạo.
3.2.3. Nâng cao trình độ chuyên môn của giảng viên và hoàn thiện khung chương trình đào tạo
Các cơ sở đào tạo cần không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn đối với đội ngũ giảng viên thông qua đào tạo mới, đào tạo lại và bồi dưỡng, trau dồi kinh nghiệm về lĩnh vực du lịch, kỹ năng sư phạm,… Ngoài ra, các cơ sở đào tạo cũng cần tổ chức các phong trào hoạt động, mở các lớp giảng dạy về kỹ năng, thái độ sống cho sinh viên. Bên cạnh sự hỗ trợ của Thành phố, các cơ sở đào tạo cần tận dụng và tranh thủ các mối quan hệ hợp tác quốc tế, các dự án có sự tài trợ của các tổ chức quốc tế trong các lĩnh vực nghiên cứu, bồi dưỡng cán bộ và trao đổi kinh nghiệm…
Ngoài ra, các cơ sở đào tạo cần hoàn thiện khung chương trình đào tạo với định hướng tiếp cận các chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới kết hợp với phát triển các hình thức đào tạo, bồi dưỡng (đào tạo đại học liên thông, sau đại học, các lớp ngắn hạn,…). Để thúc đẩy hoạt động này, Thành phố cần xây dựng các hướng dẫn và khung định hướng chương trình đào tạo ngành du lịch.
3.2.4. Đẩy mạnh việc đào tạo hướng đến thực hành nghề du lịch và đào tạo kỹ năng
Để làm được điều này các cơ sở đào tạo du lịch cần chủ động, có chính sách tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy, thực hành, thực tập của sinh viên ngành du lịch. Để hỗ trợ công tác này, Thành phố cũng nên có cơ chế khuyến khích cho các cơ sở đào tạo như cho vay nguồn vốn ưu đãi, hỗ trợ chuyên gia tư vấn, tổ chức tập huấn nghề cho giáo viên, giảng viên; tổ chức các hội thi “nghề du lịch” của giảng viên v.v…
Bên cạnh đó, Thành phố cũng cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế nhằm gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp như dành tỷ lệ ngân sách trong quỹ nghiên cứu khoa học của thành phố với những đề tài khoa học có địa chỉ ứng dụng cụ thể tại doanh nghiệp (VD: phát triển sản phẩm, đào tạo nhân lực, nâng cao công tác quảng bá… của một hoặc một vài đơn vị) thay vì triển khai những đề tài mang tính rộng lớn như lâu nay chúng ta thường làm…
Ngoài ra, cần tăng cường công tác đào tạo kỹ năng năng như: kỹ năng ngoại ngữ, giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, sáng tạo, dịch vụ khách hàng v.v… để người lao động có thể tự tin, chủ động phát huy được khả năng của mình trong môi trường hội nhập.
4. Kết luận
Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực du lịch sẽ góp phần tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của hoạt động du lịch, đẩy nhanh sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TPHCM. Để làm được điều này, việc thực hiện đồng bộ các mặt từ đề ra cơ chế chính sách, thành lập cơ quan chuyên trách, xây dựng mạng lưới các cơ sở đào tạo du lịch, nâng cao trình độ chuyên môn cho giảng viên, hoàn thiện khung chương trình đào tạo, phát triển cơ sở vật chất trong đào tạo du lịch,… là rất cần thiết. Có như vậy việc phát triển hoạt động du lịch tại TP.HCM mới đảm bảo đựơc tính bền vững và đạt được những mục tiêu đề ra, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Tài liệu trích dẫn
Đảng bộ TP.HCM (2015), Báo cáo chính trị Đảng bộ TP.HCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, TP.HCM.
Nguyễn Lan Hương (2013), Du lịch thành phố Hồ Chí Minh: nguồn lực và thực trạng phát triển, Tạp chí khoa học xã hội, số 5 (177) – 201 3.
Lã Quốc Khánh (2013), “Một số vấn đề về đào tạo nhân lực du lịch tại TP.HCM” – Hội thảo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành du lịch, do VCCI – HCM và Hiệp hội khách sạn Nauy (NHO) tổ chức tại TP.HCM ngày 23/9/2013.
Sở Du lịch TP.HCM (2013), Báo cáo hoạt động du lịch TP.HCM năm 2012, TP.HCM
Sở Du lịch TP.HCM (2015), Thống kê du lịch TP.HCM giai đoạn 2010 – 2014, Tp.HCM.
Vunsadet, Thavarasukha (2002), “Ecotourism Case Studies in Thailand”, Linking green productivity to Ecotourism: Experiences in the Asia Pacific Region, APO – Tokyo.
Nguyễn Quyết Thắng (2015), Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh – Hội thảo Phát triển NNL chất lượng cao theo yêu cầu tái kinh tế ở TP.HCM, do Viện NCPT Kinh tế TP.HCM và Hội phát triển NNL nhân tài Việt Nam, 11/2015.
Nguyễn Quyết Thắng (2013), “Phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng một số nước ASEAN – bài học kinh nghiệm cho Việt Nam” – Hội thảo Hội nhập ASEAN: Cơ hội và thách thức, do ĐH Công nghệ TP.HCM tổ chức 5/2014.
Nguyễn Quyết Thắng (2010), Indonexia – Phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, Tạp chí du lịch Việt Nam , Số 6/2010, tr 38 à 40
Tổng cục Du lịch Việt Nam – TCDL (2015), Báo cáo tình hình kinh doanh du lịch năm 2014, Hà Nội.
Nguyễn Cao Trí (2011), Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch TPHCM đến năm 2020, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM.
Trần Anh Tuấn (2013), “Nhu cầu xã hội đối với khối ngành du lịch của thành phố hồ chí minh giai đoạn 2013 – 2015– 2020” – Hội thảo nhu cầu đào tạo và thành lập Hội đồng Hiệu trưởng các cơ sở đào tạo khối ngành du lịch trên địa bàn TPHCM, do sở GD – ĐT TP.HCM tổ chức ngày 28/8/2013.
Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (2014), Số liệu về tình hình kinh doanh du lịch từ 2006 – 2014, Hà Nội.
Nguyễn Quyết Thắng
– Trưởng khoa Quản trị Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn
Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (Hutech)