Tham luận: Đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong tình hình mới

Huy Hoàng
Đại dịch Covid 19 đã mang đến sự thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, trong đó có ngành Du lịch, có thể nói đây là một trong những ngành thiệt hại nặng nề nhất.

Trên 80% các cơ sở du lịch phải đóng cửa ngừng hoạt động điều này dẫn đến việc người lao động trong các doanh nghiệp du lịch phải rời bỏ công việc mà mình đã gắn bó để đi tìm công việc khác tạo nên một bối cảnh nguồn nhân lực du lịch bị thất thoát vô cùng lớn. Nhân lực lao động trước thì không đủ để phục vụ khách, nay thì không có việc, thất nghiệp hoặc chuyển nghề. Tình trạng này dẫn đến việc thất thoát nhân lực trầm trọng đối với lĩnh vực du lịch và đây thực sự là một hiện tượng chưa từng có tiền lệ. Có lẽ chưa bao giờ, ngành Du lịch gặp phải hiện trạng như hiện nay. Từ năm 2020, hàng trăm nghìn lao động đã phải xin trợ cấp thất nghiệp. Vừa qua, Chính phủ đã đồng ý trợ cấp 1 lần (3,71 triệu đồng/ người) cho các hướng dẫn viên du lịch – những người đã có đóng góp cho sự phát triển của ngành suốt thời gian qua, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, theo đề xuất của Bộ VHTTDL và Bộ LĐ,TB&XH. Ngành Du lịch hy vọng chính sách hỗ trợ này có thể hạn chế được sự “chảy máu” nhân lực đang diễn ra và giúp ngành vượt qua được cuộc khủng hoảng nhân lực phải đối diện trong tương lai. Hơn nữa, do thời gian dịch bệnh kéo dài có một thực tế là khi việc lựa chọn, chuyển đổi nghề nghiệp đã ổn định thì người lao động sẽ có tâm lý an tâm đối với công việc mới, dẫn đến việc khi ngành Du lịch hoạt động trở lại sau dịch Covid-19 những nhân lực bỏ nghề có thể sẽ không quay trở lại làm việc.

Chỉ tính riêng tại Hà Nội, theo báo cáo tình hình 6 tháng đầu năm 2021, khoảng 12.600 lao động tại các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn đang không có việc làm. Ở mảng lữ hành, số lao động nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động lên tới 90%, tương đương với 12.168 người. Đối với Thành phố Hồ Chí Minh theo thống kê của Sở Du lịch Thành phố hiện có đến 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, doanh nghiệp lữ hành chuyên kinh doanh thị trường trong nước đã tạm ngưng hoạt động. Tính cả năm 2020 và hết quý II năm 2021, tổng cộng có trên 170 doanh nghiệp rút giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành. Một số doanh nghiệp lớn vốn tư nhân chỉ bố trí nhân sự trực tại công ty, số còn lại cũng hoạt động cầm chừng hoặc chuyển hướng kinh doanh…

Về bối cảnh đào tạo nguồn nhân lực du lịch Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước hiện có 195 cơ sở đào tạo du lịch gồm: 65 trường đại học có các khoa du lịch; 55 trường cao đẳng (có 10 trường cao đẳng chuyên đào tạo du lịch trong đó có 8 trường trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); 71 trường trung cấp; và 04 trung tâm đào tạo nghề. Có 02 cơ sở đào tạo trực thuộc doanh nghiệp là Trường Cao đẳng nghề khách sạn du lịch quốc tế Imperial đào tạo theo mô hình Hotel School và Trường Trung cấp du lịch – khách sạn Saigontourist của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn. Các cơ sở đào tạo du lịch hiện nay theo các loại hình sở hữu có: Công lập và ngoài công lập, đầu tư trong nước và các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài; Hình thức tổ chức đào tạo chính quy và không chính quy, các hệ ngắn hạn và dài hạn. Với số lượng các chương trình đào tạo gồm: 55 ngành, 123 chuyên ngành, nghề du lịch và liên quan đến du lịch.. Hiện nay cả nước có khoảng trên 2.000 giáo viên, giảng viên du lịch và cán bộ quản lý, phục vụ đào tạo các cấp (giáo viên, giảng viên du lịch chiếm khoảng 73%, cán bộ quản lý, phục vụ đào tạo chiếm khoảng 27%) và 2.579 đào tạo viên du lịch (đã có chứng chỉ đào tạo của Hội đồng cấp chứng chỉ du lịch Việt Nam). Giảng viên, giáo viên cơ hữu là 1.400 người, chiếm khoảng 70% và giảng viên thỉnh giảng là 600 lượt người, chiếm 30%. Giáo viên, giảng viên ở độ tuổi dưới 30 tuổi chiếm khoảng 29% và ở độ tuổi từ 31-50 tuổi chiếm 60%. Trong số giảng viên, giáo viên du lịch có 2 giáo sư, 11 phó giáo sư, 36 tiến sĩ, 210 thạc sĩ và 5 chuyên gia, nghệ nhân. Các cơ sở đào tạo du lịch trong toàn quốc đã chủ động xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo phục vụ nhu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên trong thời gian qua do sự bùng phát của đại dịch Covid 19 đã làm xáo trộn đời sống xã hội, việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch gặp rất nhiều khó khăn và đây cũng là chủ đề chính trong bài tham luận này.

Do phương thức đào tạo cho du lịch, chúng ta đang tiến tới tỷ lệ đào tạo 70% thực hành và 30% lý thuyết, Trên cơ sở đặc thù về đào tạo như vậy, trong suốt thời gian qua thực hiện nghiêm túc chủ trương giãn cách xã hội để chống dịch, tình hình thực tế đó đã không cho phép các Trường tổ chức học trực tiếp mà tất cả đã chuyển sang việc dạy và học theo hình thức Online, với hình thức này các Trường chỉ có thể triển khai các môn học lý thuyết và môn tiếng Anh, và các bài giảng ngoại khoá..việc thực hành kỹ năng nghề cho sinh viên hầu như không thể triển khai được, chương trình thực tập tại các doanh nghiệp cho sinh viên cũng bị đứt gẫy do các doanh nghiệp đóng cửa và thực hiện dãn cách xã hội… Khoá sinh viên tốt nghiệp trong 2 năm 2020, 2021 không tìm được việc làm theo đúng chuyên ngành do các công ty du lịch, khách sạn đóng cửa hoặc giảm quy mô hoạt động…

Trước bối cảnh trên, những người làm công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch hơn bao giờ hết cần nhanh chóng tìm ra các giải pháp đào tạo như thế nào để kịp thời cung cấp nguồn nhân lực cho các cơ sở du lịch trong thời gian đại dịch Covid 19 vẫn diễn biến khá phức tạp và cả khi đất nước trở về bình thường mới và trong tương lai khi đại dịch qua đi. Chúng tôi xin tổng hợp một số ý kiến của các chuyên gia và nêu ra đây một số đề xuất như sau:

Các cơ sở đào tạo cần nhah chóng áp dụng công nghệ thông tin, thực hiện các giải pháp thực hiện ứng dụng công nghệ nền tảng vào giáo dục và đào tạo là hướng đi phù hợp trong giai đoạn này. Áp dụng phương pháp số hóa trong đào tạo, sẽ đặt ra yêu cầu các giảng viên luôn phải đa dạng hóa phương thức giảng dạy, dùng các video clip minh họa một cách sinh động, tăng cường sự tương tác giữa người dạy và người học.

Ở những khu vực xanh, các sinh viên được đến trường với số lượng hạn chế, các cơ sở đào tạo sẽ thực hiện nghiêm túc những yêu cầu về phòng chống dịch bệnh như sắp xếp phòng học và ký túc xá sinh viên trên nguyên tắc dãn cách, cần có đủ điều kiện theo tiêu chuẩn 5K, phải có kịch bản cụ thể cho giảng viên và sinh viên trong quá trình giảng dạy và học tập khi phát sinh những tình huống cần chống dịch.

Công tác quản lý đào tạo cũng được triển khai trực tuyến, xây dựng và điều chỉnh các chương trình đào tạo, hướng đến áp dụng giáo trình điện tử; đồng thời, tăng cường kết nối với các doanh nghiệp du lịch, cơ quan quản lý du lịch, Hiệp hội du lịch các địa phương thông qua các công cụ ứng dụng nền tảng số để hỗ trợ công tác thực tập, hoạt động đào tạo du lịch.
Đổi mới hình thức và phương thức tuyển sinh, chú trọng đưa thông tin giới thiệu ngành nghề du lịch và cơ sở vật chất cùng với các điều kiện phục vụ giảng dạy và học tập của Trường qua các kênh thông tin và mạng xã hội để thí sinh biết và lựa chọn ngành học, nơi học cho mình một cách phù hợp.

Tình hình dịch bệnh chưa thể kết thúc triệt để trong thời giam gần, chính vì vậy các cơ sở đào tạo cũng cần chủ động đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới nội dung chương trình, bổ xung trang thiết bị đặc biệt là các thiết bị thông tin đáp ứng tốt mọi hình thức đào tạo cho phù hợp với tình hình mới, cho phép chuyển đổi từ hình thức học tập trực tiếp trên lớp sang trực tuyến khi cần. Nội dung bài giảng cần có sự cải tiến nâng cao chất lượng, mở rộng kiến thức và tăng sức hấp dẫn cho người học. Các kế hoạch, kịch bản giảng dạy dù trực tuyến hay trực tiếp đều phải được áp dụng linh hoạt và hiệu quả.

Bên cạnh chương trình chính quy dài hạn, các cơ sở đào tạo cần xây dựng chương trình ngắn hạn có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế như chương trình 16 tuần của trường Cao đẳng nghề khách sạn du lịch Imperial đã được tổ chức quốc tế NCFE Vương quốc Anh công nhận và cấp bằng Practical Diploma ( level 3 ) cho đối tượng theo học chương trình ngắn hạn này.

Các doanh nghiệp du lịch cần tìm hiểu, nghiên cứu, lựa chọn và chủ động liên hệ với các Trường để đặt hàng đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp của mình. Phối hợp với các trường xây dựng và triển khai chương trình của học kỳ thực tập doanh nghiệp nhất là đối với các trường có cơ sở vật chất và lực lượng giảng viên đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Liên chi hội đào tạo du lịch sẽ xây dựng chương trình cấp bách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, kịp thời bổ xung cho sự thất thoát nguồn nhân lực trong đại dịch Covid 19, chương trình này mong sẽ có sự kết nối với các hiệp hội du lịch địa phương và cơ ở đào tạo để nhanh chóng triển khai với những chương trình và điều kiện giảng dạy, lực lượng giảng viên chất lượng cao đảm bảo đáp ứng yêu cầu cụ thể của từng địa phương, doanh nghiệp nhằm mục đích nhanh chóng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho ngành. Trước mắt chúng tôi mong nhận được những yêu cầu cụ thể về đào tạo nhân lực của các Hiệp hội địa phương trên cơ sở nhu cầu của các các doang nghiệp du lịch cụ thể về số lượng, ngành nghề và đối tượng đào tạo. Với nguyện vọng cùng chung tay góp sức với toàn ngành nhanh chóng đưa hoạt động đào tạo và kinh doanh du lịch nhanh chóng bắt nhịp với đời sống mới trong điều kiện bình thường mới.

GS.TS. Đào Mạnh Hùng
Chủ tịch Liên chi hội Đào tạo Du lịch

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN