Chương trình nghị sự 2030 (CTNS) bắt nguồn từ CTNS 21 về phát triển bền vững và các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs). Năm 1972, tại Hội nghị Liên hợp quốc về môi trường và con người tại Stockholm, Thụy Điển, lần đầu tiên cộng đồng quốc tế bàn về các vấn đề môi trường toàn cầu cũng như các nhu cầu cần thiết cho phát triển. Năm 1983, thành lập Ủy ban thế giới về môi trường và phát triển (WCED), được ghi nhận bởi những cống hiến rất giá trị cho việc đẩy mạnh sự phát triển bền vững. Năm 1992, tại Hội nghị thượng đỉnh Trái Đất về môi trường và phát triển, các nhà lãnh đạo thế giới lần đầu tiên cam kết thúc đẩy phát triển bền vững, nhất trí kế hoạch hành động – CTNS 21, một số nguyên tắc chính và thông qua 5 văn kiện quan trọng. Năm 2002, Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững đã nhắc lại các mục tiêu xã hội và môi trường được phản ánh trong Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và CTNS 21.
Năm 2012, Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về phát triển bền vững đã đảm bảo cam kết chính trị không ngừng cho phát triển bền vững, giải quyết những thách thức mới đang nổi lên, khởi động quá trình xây dựng mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu. Từ tháng 9/2013, các nước đặt ra một bộ mục tiêu và khởi động các cuộc đàm phán liên chính phủ về CTNS sau 2015, đưa ra bộ 17 mục tiêu phát triển bền vững, 169 chỉ tiêu. Ngày 25/9/2015, CTNS 2030 chính thức được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc tại New York. CTNS 2030 có độ bao phủ chính sách phổ quát, rộng lớn, toàn diện, vì lợi ích của mọi người dân trên toàn thế giới, cho các thế hệ hôm nay và mai sau với mục tiêu hoàn tất công việc dang dở của Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và CTNS 21 không để ai bị bỏ lại phía sau.
Về phía Việt Nam, trên cơ sở 17 mục tiêu chung và 169 mục tiêu cụ thể của CTNS 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc, căn cứ vào điều kiện thực tiễn, khả năng, ưu tiên phát triển của Việt Nam trong từng giai đoạn, kế thừa các chiến lược, chính sách, chương trình kế hoạch phát triển hiện hành chủ yếu, quan trọng của quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xác định các mục tiêu, nhiệm vụ phù hợp với Việt Nam và xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện CTNS 2030. Tháng 11/2016, dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia được hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ.
Đối với lĩnh vực du lịch, UNWTO cũng nỗ lực không mệt mỏi trong việc thực hiện các mục tiêu toàn cầu. Hiện UNWTO đang làm việc với các chính phủ, các đối tác nhà nước và tư nhân, các ngân hàng phát triển, các tổ chức tài chính quốc tế và khu vực, các cơ quan của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), đặt trọng tâm vào các mục tiêu 8, 12,14, trong đó du lịch là một phần đặc trưng, quan trọng.
Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, toàn diện về kinh tế, việc làm đầy đủ, hiệu quả, và bền vững cho tất cả là những mục tiêu phát triển bền vững quan trọng đối với du lịch. Du lịch là một trong những động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu, và hiện chiếm 1/11 số việc làm trên toàn thế giới. Bằng cách cho phép tiếp cận cơ hội việc làm bền vững trong lịch vực du lịch, đặc biệt là đối với thanh niên và phụ nữ, họ có thể được hưởng lợi từ việc nâng cao kỹ năng, phát triển chuyên môn nghiệp vụ. Đóng góp của du lịch để tạo việc làm đã được ghi nhân trong mục tiêu 8.9 “Đến năm 2030, đưa ra và thực hiện các chính sách để thúc đẩy du lịch bền vững tạo ra công ăn việc làm, thúc đẩy văn hóa và sản phẩm địa phương”
Đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu thụ bền vững: một ngành du lịch thông qua sản xuất và tiêu thụ bền vững (SCP) có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh chuyển dịch toàn cầu theo hướng bền vững. Để làm được như vậy, như thiết lập trong các mục tiêu 12.b của mục tiêu 12, buộc phải “Xây dựng và thực hiện các công cụ giám sát tác động phát triển bền vững cho du lịch bền vững trong việc tạo việc làm và thúc đẩy văn hóa, sản phẩm địa phương”. Chương trình du lịch bền vững (STP) của Khung chương trình mười năm về các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững (10YFP) nhằm mục đích phát triển các hoạt động sản xuất và tiêu thụ bền vững (SCP) như các sáng kiến sử dụng hiệu quả tài nguyên có thể dẫn đến các kết quả về kinh tế, xã hội và môi trường.
Bảo tồn và sử dụng bền vững biển, đại dương và tài nguyên biển để phát triển bền vững. Du lịch biển và hàng hải là những phân đoạn lớn nhất trong du lịch, đặc biệt là các quốc đảo nhỏ đang phát triển (SIDS – Small Island Developing States), dựa vào các hệ sinh thái biển lành mạnh. Phát triển du lịch phải là một phẩn của “Quản lý vùng ven biển kết hợp để bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái” và là động lực thúc đẩy nền kinh tế xanh, phù hợp với mục tiêu 14.7: “đến năm 2030 sẽ tăng lợi ích kinh tế của SIDS và LCDs từ việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển, thông qua quản lý bền vững nghề cá, nuôi trồng thủy sản và du lịch”