Đề xuất hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực du lịch

Huy Hoàng
Tại hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp ngành du lịch do Hội đồng nhân dân TPHCM tổ chức, đại diện các đơn vị đã kiến nghị thành phố quan tâm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Áo dài cho biết, trải qua đại dịch vừa qua, các bảo tàng công lập gặp phải nhiều thử thách lớn. Ngoài nguồn thu bị giảm sút nghiêm trọng, các cơ sở này còn bị chảy máu chất xám bởi nhiều cán bộ, công chức đã gắn bó với ngành phải rời khỏi ngành để kiếm sống bằng những công việc khác. Để tìm lại những người có tâm huyết, trình độ làm bảo tàng như vậy không dễ dàng. Do đó, bà Vân cho rằng cần có chế độ, chính sách thỏa đáng đối với những người còn trụ lại được, bởi họ đã trải qua 2 năm rất khó khăn không chỉ về vật chất mà còn ảnh hưởng đến tinh thần.

Đồng quan điểm, bà Võ Thị Hương Thanh (Khách sạn Saigon Citypoint) cho biết, sau dịch nhiều quản lý cấp trung và nhân viên đã bỏ ngành để làm công việc khác. Sau khi phục hồi, doanh nghiệp có liên hệ nhưng họ đang “yên ổn” nên cũng không muốn quay lại. Do đó, đơn vị phải đi kiếm những sinh viên, thực tập viên và phải tốn chi phí đào tạo lại. “Chúng tôi mong thành phố có một số gói hỗ trợ để doanh nghiệp du lịch yên tâm làm nghề, phát triển. Trước đó, Nhà nước có gói giảm giá điện cho ngành khách sạn, giảm thuế GTGT cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp mong được duy trì chính sách này”, bà Thanh đề xuất.

Trong khi đó, ông Phan Xuân Anh - Giám đốc Cty Du ngoạn Việt nhìn nhận thực tế thành phố có rất nhiều con sông, tuy nhiên “nhiều sông không hề có đò” và đây là điều đáng tiếc. Ông Anh cho rằng thành phố nên quan tâm đẩy mạnh phát triển loại hình trên bến dưới thuyền gắn với những điều kiện vận hành, sự thuận lợi trong kinh doanh… “Thành phố có cảng Sài Gòn với bề dày lịch sử như vậy cùng cảnh quan xung quanh như vậy, tôi rất muốn thấy nó phát huy được lợi thế vẻ đẹp và lịch sử lâu đời của mình nhằm phục vụ phát triển du lịch”, ông Anh nói thêm.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cho biết, trong bối cảnh ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, thành phố đã có nhiều kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan một số nội dung về thuế, lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành, điểm du lịch...

Bà Lệ cho biết, TPHCM xác định đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có vai trò dẫn dắt phát triển kinh tế xanh, góp phần phát triển kinh tế xã hội và xây dựng, phát triển đô thị; đồng thời sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống. Chủ tịch HĐND TPHCM đề nghị UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện và công bố Chiến lược phát triển du lịch TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược ở từng giai đoạn gắn với thực hiện Đề án du lịch thông minh trong tổng thể Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh; thống nhất thông điệp điểm đến TPHCM.

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN