Tập hợp nguồn nhân lực để phục hồi và phát triển du lịch

Sau hơn 2 năm dịch bệnh Covid-19 xuất hiện đã làm ngành Du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Có khoảng 1/3 nhân lực của ngành chuyển sang lĩnh vực khác. Vấn đề đặt ra là tập hợp nguồn nhân lực như thế nào để phục hồi và phát triển trở lại, cần có giải pháp gì để phát triển nguồn nhân lực phù hợp với tình hình mới?

Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khôi phục và phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh bình thường mới với sự tham gia của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, Hiệp hội Du lịch các địa phương... để thảo luận các vấn đề nêu trên.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng: “Những doanh nghiệp du lịch hiểu rất rõ bối cảnh hiện nay và mong muốn các đại biểu nêu rõ thực trạng, các sáng kiến, kinh nghiệm và đề xuất giải pháp để đảm bảo nguồn nhân lực khi mở cửa trở lại”.

Hiện nay, đã có rất nhiều thay đổi về tư duy và hành động trong phát triển du lịch. Vấn đề bảo vệ môi trường, chuyển đổi số cần phải bổ sung trong đào tạo, có thêm kiến thức mới để phát triển. Bên cạnh đó, những vấn đề quan trọng liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực trong lưu trú, hướng dẫn viên, quản lý điểm đến... cũng cần được thảo luận sâu tại Hội thảo.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy đánh giá cao sáng kiến tổ chức của Hiệp hội Du lịch Việt Nam về việc tổ chức Hội thảo để đánh giá lại nguồn nhân lực, phục vụ phát triển thời gian tới. Theo ông Thủy, phần lớn lao động du lịch thời gian qua chuyển đổi ngành nghề. Khi mở cửa lại, có một số tự nguyện quay lại nhưng cũng nhiều người ổn định với công việc mới, thu nhập cao hơn, họ sẽ không quay lại. Vì thế, cần rà soát, đánh giá thực trạng đó để có giải pháp phù hợp, xem nhân lực du lịch của ta đang nằm ở đâu so với khu vực và thế giới. Có hay không mời lại lực lượng có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm; đào tạo mới như thế nào nguồn nhân lực, đào tạo lại, đào tạo tại chỗ, cầm tay chỉ việc cho các lao động sau thời gian dài tạm dừng công việc....?

Cho rằng cần có sự chuẩn bị kỹ càng về nguồn nhân lực, giải pháp để thực hiện nhiệm vụ nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với Chiến lược phát triển du lịch thời gian tới, ông Phạm Văn Thủy đặt câu hỏi: 10 năm qua chúng ta đào tạo được bao nhiêu nhân lực, sắp tới đào tạo thế nào? Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với ngành nghề mỗi địa phương cần quan tâm ra sao? Đồng thời cho rằng các địa phương cần có cơ chế, xây dựng chính sách để phối hợp với các trường đào tạo nghề xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực. Các trường đào tạo nghề du lịch, văn hóa phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các địa phương để đào tạo nhân lực.    

Bên cạnh đó, hiện nay chất lượng đào tạo đang có một số vấn đề, không chỉ học tập trong nhà trường thôi, rèn luyện kỹ năng gặp khó khăn, nhất là khi sinh viên học online.

Chúng ta có rất nhiều trường đào tạo nhưng chủ yếu là đào tạo sinh viên chứ chưa đào tạo cho người lao động. Một số ý kiến cho rằng sau này nên đào tạo theo địa chỉ, theo đặt hàng vì các tỉnh đều cần. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý cơ sở lưu trú, quản lý điểm đến... cũng sẽ được chú trọng hơn trong các chương trình, đề án chuyển đổi số của Tổng cục Du lịch.

Ông Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) cho biết: “Vừa qua, Bộ VHTTDL cũng đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển nguồn nhân lực du lịch thích ứng với tác động của đại dịch Covid-19 giai đoạn 2021-2030. Trong đó đặt ra mục tiêu phát triển nguồn nhân lực du lịch với quy mô số lượng, cơ cấu và chất lượng đáp ứng yêu cầu phục hồi ngành Du lịch phù hợp với từng giai đoạn cụ thể; hướng tới đáp ứng yêu cầu phát triển sau khi phục hồi và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hình thành cơ sở dữ liệu về nguồn nhân lực du lịch làm căn cứ để tổ chức quản lý, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch cho từng giai đoạn cụ thể đáp ứng yêu cầu phát triển ngành”.

Ông Lê Anh Tuấn cho rằng, để phát triển nguồn nhân lực du lịch thích ứng với tác động của đại dịch Covid-19, cần triển khai các nhóm giải pháp cấp bách hỗ trợ nhân lực ngành Du lịch và phát triển nguồn nhân lực của ngành thích ứng với đại dịch và chuẩn bị cho sự phục hồi. Triển khai nhóm giải pháp đảm bảo nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch; thực hiện nhóm giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn phát triển. Trong đó, rà soát các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đề xuất bổ sung, điều chỉnh phù hợp và tổ chức triển khai các gói hỗ trợ tài chính ngắn hạn cho các doanh nghiệp du lịch, khu, điểm tham quan, di tích, trong đó cần chú trọng các chính sách hỗ trợ đối với người lao động; miễn, giảm thuế, cắt giảm các khoản phí khác để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc duy trì lượng nhân lực phù hợp với điều kiện tổ chức kinh doanh. Rà soát và thành lập mạng lưới người lao động du lịch các địa phương, theo đầu mối các doanh nghiệp, thông qua hệ thống liên lạc linh hoạt, nhằm đảm bảo việc bổ sung nhân lực du lịch phù hợp với các địa phương đủ điều kiện tổ chức hoạt động du lịch nội địa, du lịch quốc tế đến, đáp ứng các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực du lịch và chuyển đổi số.

“Cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, kêu gọi người lao động du lịch đã có kinh nghiệm quay trở lại làm việc, đáp ứng yêu cầu tổ chức kinh doanh phục vụ khách du lịch. Xây dựng, triển khai Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn nhân lực du lịch Việt Nam sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát trong nước và du lịch nội địa được hoạt động trở lại. Tổ chức đào tạo lại, bồi dưỡng kết hợp với đào tạo mới nguồn nhân lực du lịch đảm bảo yêu cầu bổ sung đủ nhân lực đáp ứng với từng cấp độ phục hồi du lịch phù hợp với các lĩnh vực kinh doanh, các địa phương trong cả nước. Việc đào tạo các cần chú trọng đến kiến thức, kỹ năng chuyên môn, năng lực tự chủ và chịu trách nhiệm thích ứng với bối cảnh thế giới có nhiều biến đổi”, ông Lê Anh Tuấn nói.

Tổ chức rà soát đánh giá các kịch bản phục hồi từ đó xác định được cụ thể quy mô, cơ cấu và yêu cầu về năng lực của người lao động du lịch cần có từ đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trước mắt đảm bảo phục vụ cho giai đoạn phục hồi, thích ứng với điều kiện dịch bệnh, đồng thời chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.

Triển khai công tác nghiên cứu những thay đổi của thị trường trong lĩnh vực du lịch. Nâng cao kỹ năng nghề và bổ sung hình thành các kỹ năng chuyển đổi, các kỹ năng mới, linh hoạt thích ứng với sự thay đổi của thế giới việc làm đối với nguồn nhân lực du lịch.

Triển khai mạnh mẽ hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và khu vực, đồng thời thành lập và tổ chức hoạt động của các Hội đồng nghề, Hội đồng ngành lĩnh vực du lịch. Hoàn thiện các Bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia trong lĩnh vực du lịch, tổ chức đề xuất với ASEAN công nhận tương đương các Bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia với các Bộ tiêu chuẩn nghề du lịch ASEAN.

Nâng cao năng lực của hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ du lịch, đảm bảo đủ năng lực đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Ngành.

Tập trung đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch thích ứng với bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0, đào tạo nguồn nhân lực thích ứng với chuyển đổi số; đảm bảo năng lực canh tranh của nguồn nhân lực trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế và thích ứng với các điều kiện biến đổi.

Tăng cường phối hợp, gắn kết giữa nhà trường, doanh nghiệp, đặc biệt là nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Đánh giá thực trạng nguồn nhân lực du lịch hiện nay, dưới góc độ một doanh nghiệp kinh doanh cơ sở lưu trú, ông Nguyễn Hồng Hải, Tổng giám đốc Công ty TMDV Dân chủ Hà Nội cho biết: “Có tới 80% nhân lực trong ngành khách sạn không có việc làm, thu nhập xuống rất thấp, số lượng nhân viên phần lớn nghỉ việc, làm luân phiên. Tình trạng trên dẫn tới những lỗ hổng lớn về nhân lực của ngành. Khách ít, hoạt động cầm chừng khiến các kỹ năng, quy chuẩn bị ảnh hưởng”.

Có một thực trạng nữa là rất nhiều người được đề nghị quay lại làm trong các cơ sở lưu trú đã đặt ra yêu cầu tăng lương. Đây là một trong những rào cản lớn với các cơ sở lưu trú. Hà Nội hiện có 12 cơ sở lưu trú hạng 5 sao, nhiều nơi thiếu hụt các vị trí lao động nên việc tuyển dụng hết sức khó khăn và cạnh tranh quyết liệt.

Các ý kiến tại Hội thảo cho rằng, việc phân tích thị trường, chuyển đổi số, kỹ năng về ngoại ngữ, kiến thức về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.... của nhiều lao động chất lượng cao ngành Du lịch còn yếu. Việc đào tạo cần chú trọng hơn về liên kết. Hiện nay, rất thiếu các cơ sở 4-5 sao để sinh viên, người lao động thực hành. Hoặc sau dịch, một lao động phải làm nhiều vị trí hoặc chuyển sang bộ phận khác….

Kết luận Hội thảo, ông Vũ Thế Bình cho rằng, có rất nhiều vấn đề về đào tạo nhân lực cần phải được quan tâm, giải quyết ngay từ bây giờ, trước khi khách du lịch đông trở lại.

Nhân lực hiện nay là điểm yếu của Du lịch Việt Nam. Trước khi Covid xuất hiện chúng ta đã trăn trở rất nhiều. Ngay trong lúc du lịch phát triển thịnh vượng nhất năm 2019 bộc lộ rất nhiều vấn đề khi phát triển quá “nóng”, không có định hướng rõ ràng, không có hệ thống quản lý chặt chẽ, các tiêu chuẩn nghề nghiệp không được tuân thủ,... tất cả những điều đó làm méo mó hình ảnh Du lịch Việt Nam. Covid-19  xuất hiện khiến “bức tranh” nhân lực lao động nói riêng và ngành Du lịch nói chung thê thảm hơn rất nhiều, nay còn thiếu nhân lực trầm trọng.

Vì thế, việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hiện nay là vô cùng cần thiết. Vấn đề là ngay cả lúc chúng ta khỏe mạnh nhất có những việc chúng ta cũng không làm được thì giờ đang yếu, càng khó khăn hơn.

Việc chuẩn hóa, xếp hạng nguồn nhân lực là rất cần thiết nhưng cũng không quá cầu kỳ, cứng nhắc vì như thế sẽ khó mà xếp hạng được. “Vai trò của nguồn nhân lực như thế nào đối với sự phát triển của ngành? Mỗi lần bàn về chủ đề này đều thấy rất nhiều vấn đề, cần có những thảo luận sâu hơn, có sự thống nhất của các bên và đưa ra mô hình mẫu để cả nước thực hiện. Nếu không nắm bắt cơ hội này, chúng ta sẽ khó có cơ hội làm được nữa. Những lúc khách ào ào đến như năm 2019 hoặc bùng nổ lượng khách như dịp Tết nguyên đán vừa rồi vì còn gì là quy chuẩn nghề nghiệp, là chuyên nghiệp nữa?” ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.

Ông Bình cho rằng, từ bây giờ, hãy bắt đầu quay lại những thứ vẫn ấp ủ từ trước đến nay, làm tốt hơn và cố gắng hướng tới việc hình thành một hệ thống nguồn nhân lực đào tạo chất lượng, theo kịp sự phát triển của ngành.

THÚY HÀ; ảnh: HÀ YÊN

Link nội dung: https://vitea.vn/tap-hop-nguon-nhan-luc-de-phuc-hoi-va-phat-trien-du-lich-a7065.html