Tháo điểm nghẽn về nguồn nhân lực cho doanh nghiệp du lịch

Một trong những cản trở cho sự phục hồi của du lịch Việt chính là sự thiếu hụt, sự không đảm bảo về chất lượng nguồn nhân lực. Về vấn đề này, các chuyên gia đã cùng đưa ra nhiều giải pháp thiết thực.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, đánh giá: “Hoạt động du lịch gặp muôn vàn khó khăn, chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Số khách nội địa hiện giảm hơn 50%, khách quốc tế giảm 90%, công suất buồng phòng giảm còn dưới 100%. Số lượng cơ sở đào tạo du lịch ngày càng gia tăng, năng lực đào tạo dù có cải thiện nhưng vẫn hạn chế”.

Ông Khánh thông tin, tại cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn, định mức trung bình chỉ đạt 0,46 lao động/buồng. Một số nơi thiếu lao động cục bộ.

hoang-thanh-1665392414.jpg
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, doanh nghiệp cần có chính sách khuyến khích phát triển nguồn nhân lực.

Theo Tổng cục Du lịch, đến nay 90% cơ sở lưu trú du lịch đã đi vào hoạt động bình thường với hơn 34.000 cơ sở và 700.000 buồng. Tuy nhiên, số lao động trong cơ sở lưu trú du lịch mới được hơn 300.000 người, trong đó nhiều lao động chưa được đào tạo đầy đủ.

Do đó, ông Khánh đưa ra giải pháp chính: Về vấn đề công tác phát triển nguồn nhân lực khách sạn phải theo cơ cấu, đảm bảo số lượng, cân đối với cơ cấu ngành đáp ứng cạnh tranh và hội nhập. Doanh nghiệp cần có chính sách khuyến khích phát triển nguồn nhân lực. Ngoài ra, cơ quan quản lý đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo, chú trọng đào tạo kỹ năng nghề và kỹ năng mềm cho lực lượng lao động trực tiếp.

GS-TS Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên chi hội Đào tạo (Hiệp hội Du lịch Việt Nam), nhận xét: Việc trở lại của khách quốc tế còn chậm nên khách sạn 4-5 sao chưa thể hoạt động bình thường trở lại khiến lượng nhân lực “bỏ nghề mà đi”. Nguồn nhân lực của du lịch hiện nay có ba điểm yếu: Kỹ năng nghề, ngoại ngữ và giao tiếp.

Ông Hùng góp ý: “Đối với lao động có kỹ năng, trình độ, tôi đề xuất tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn, ưu tiên phục vụ buồng, lễ tân với nguồn kinh phí từ cơ quan nhà nước hỗ trợ. Về phía cán bộ quản lý, Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí, phần còn lại là của doanh nghiệp. Còn về lao động mới tham gia cũng đề xuất tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn, thời gian 1-3 tháng. Người lao động tham gia chương trình này sẽ không phải đóng góp kinh phí nhưng cam kết sẽ làm việc với một cơ sở lưu trú trên địa bàn”.

TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch), cho rằng Bộ VH-TT&DL nên phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để thu hút lực lượng lao động và hỗ trợ đào tạo. Cạnh đó, chỉ đạo phát triển mạng lưới chuyên gia ở tất cả ngành nghề trong du lịch và tổ chức chương trình đào tạo theo hướng chuyển đổi số.

Về việc đào tạo nhân lực chuyển đổi số, chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Quyết Tâm – Giám đốc Trung tâm dữ liệu Du lịch Việt Nam kiêm Chủ tịch Công ty CP VietISO cho rằng, việc phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch số không thể giải quyết trong ngắn hạn mà cần sự tham gia tích cực và đóng góp hiệu quả giữa 3 nhà: Nhà trường - Nhà tuyển dụng - Nhà nước.

Bên cạnh đó, tốc độ phát triển của ngành du lịch đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận thực tiễn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Đây cũng là một trong các giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực du lịch, đáp ứng nhu nhu cầu của ngành du lịch và xã hội.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch, nguồn nhân lực du lịch phải đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Sinh viên cần được cung cấp cả hiểu biết, kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ thực tế, văn hóa giao tiếp, ngoại ngữ, công nghệ thông tin…

"Để làm được điều này, các cơ sở đào tạo phải kết nối với doanh nghiệp, đặc biệt là đơn vị chất lượng cao như khách sạn 4-5 sao để vừa đào tạo đúng nhu cầu, vừa nâng cao chất lượng nhân lực." - ông Nguyễn Quyết Tâm nhấn mạnh.

MINH CHÂU

Link nội dung: https://vitea.vn/thao-diem-nghen-ve-nguon-nhan-luc-cho-doanh-nghiep-du-lich-a7062.html