Nâng chất nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh mới

Để phục hồi du lịch sau nhiều thiệt hại nặng nề do đại dịch COVID-19, một trong những yếu tố then chốt là chất lượng nguồn nhân lực của ngành du lịch, dịch vụ trước những yêu cầu mới.

Những tín hiệu tích cực của du lịch tại nhiều địa phương dịp Tết Nguyên đán, đặc biệt là quyết định mở cửa hoạt động du lịch Việt Nam trong điều kiện "bình thường mới" từ ngày 15/3 đang mở ra nhiều cơ hội phục hồi cho ngành “công nghiệp không khói”.

Để quá trình phục hồi và từng bước phát triển trở lại sau nhiều thiệt hại nặng nề do đại dịch COVID -19, một trong những yếu tố then chốt là chất lượng nguồn nhân lực của ngành du lịch, dịch vụ trước những yêu cầu mới.

Nhiều thách thức mới

Đề cập đến tầm quan trọng của đội ngũ nhân sự ngành du lịch, nhiều chuyên gia khẳng định, nguồn nhân lực được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, nâng cao và hoàn thiện các sản phẩm du lịch cũng như dịch vụ du lịch.

Đây là một trong những yếu tố then chốt làm tăng khả năng cạnh tranh và sự sống còn trên thị trường du lịch cho từng doanh nghiệp, địa phương, rộng hơn là ngành du lịch của cả quốc gia
Đóng vai trò then chốt, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành, trong thời gian qua, trước những tác động của đại dịch COVID-19, nguồn nhân lực du lịch ở nước ta gặp rất nhiều khó khăn.

Số liệu từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, năm 2020, các doanh nghiệp lĩnh vực du lịch đã lần lượt phải cắt giảm nhân sự từ 70- 80%.

Sang năm 2021, số lượng lao động vẫn làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, lao động làm việc cầm chừng chiếm 10%.
Sau khi trở lại trạng thái "bình thường mới", các hoạt động du lịch nội địa dần được khôi phục, đặc biệt là quyết định mở cửa du lịch Việt Nam từ ngày 15/3 đang tạo cơ hội cho du lịch Việt Nam sớm phục hồi.  

Du lịch phục hồi, dần phát triển trở lại, trước những thay đổi về xu hướng, thị trường du lịch, công nghệ số phát triển mạnh mẽ cùng những yêu cầu đảm bảo an toàn phòng chống dịch, bên cạnh những thuận lợi, đội ngũ nhân lực ngành du lịch cũng đứng trước những nhiều thách thức, yêu cầu mới.

Trong giai đoạn "bình thường mới", xu hướng lựa chọn sản phẩm, điểm đến của du khách có những thay đổi, cân nhắc mới, đòi hỏi ngành Du lịch mà trước hết là đội ngũ nhân lực của ngành cần có những thích ứng cần thiết.

Đơn cử, một hướng dẫn viên du lịch giờ đây không chỉ đơn thuần thực hiện nhiệm vụ tham gia hành trình tour, giới thiệu, hướng dẫn những trải nghiệm cho du khách mà còn cần có kỹ năng tạo cho du khách cảm giác an toàn bằng chính những hoạt động, thao tác đảm bảo phòng chống dịch an toàn, xử lý tình huống kịp thời tạo sự yên tâm, tin tưởng cho du khách.
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký, Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam cho rằng: Việc mở cửa toàn diện du lịch đem lại nhiều cơ hội song thực tế có tình trạng nhiều nhân lực du lịch đã rời bỏ công việc quen thuộc, còn một số nhân lực mới lại chưa được đào tạo bài bản, nhất là những kỹ năng mới cần bổ sung như kỹ năng hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch cho du khách, sử dụng các công nghệ mới phục vụ khách hàng, ứng dụng chuyển đổi số...
Từ thực tế hoạt động nghề nghiệp, ông Nguyễn Minh Khoa, Thư ký Chi hội Hướng dẫn viên du lịch Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Du lịch là nhu cầu không thể thiếu của con người trong cuộc sống. Hàng năm, ngành Du lịch có nhu cầu bổ sung rất nhiều nhiều lao động.

Trong đó, giai đoạn phục hồi du lịch sau giai đoạn “đóng băng” do dịch COVID-19, nhiều cơ hội việc làm đang được mở ra. Tuy nhiên thực tế nhu cầu của du khách, thị trường du lịch đã có những thay đổi, công tác tổ chức tour vì vậy được các doanh nghiệp quan tâm để có sự linh hoạt, thay đổi để thích nghi trong giai đoạn hiện nay.

Người hướng dẫn viên cần có những kỹ năng phù hợp. Ngoài nghiệp vụ chuyên môn, hướng dẫn viên du lịch còn phải có kiến thức về phòng, chống dịch COVID-19 trong tâm thế mới hay những kiến thức, kỹ năng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thích ứng với du lịch thông minh, góp phần tạo cho du khách những giá trị trải nghiệm gia tăng trong chuyến đi.

Tăng cường trang bị kiến thức, kỹ năng

Khẳng định tầm quan trọng của nguồn nhân lực góp phần sáng tạo các sản phẩm phẩm du lịch hấp dẫn, đáp ứng yêu cầu du khách trong bối cảnh phục hồi du lịch gắn với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, đại diện nhiều doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà quản lý đều cho rằng cần tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân  lực du lịch bằng nhiều giải pháp.

Trong đó, tăng cường đào tạo và đào tạo lại, bổ sung các kỹ năng cho đội ngũ nhân lực hiện có, đổi mới trong chương trình đào tạo học sinh, sinh viên ngành du lịch là hết sức cần thiết.
Liên quan đến giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, theo ông Nguyễn Văn Đính, Hội đồng Khoa học và Đào tạo du lịch (Hiệp hội Du lịch Việt Nam), đối với lực lượng lao động mới tuyển dụng, doanh nghiệp du lịch cần phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, các cơ sở đào tạo để đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ cũng như kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao chất lượng phục vụ trực tiếp cho du khách.

Mặt khác, cần bổ sung những kiến thức, kỹ năng về phòng, chống dịch COVID -19, bảo vệ môi trường, kiến thức, kỹ năng tin học cần thiết. Mỗi doanh nghiệp lĩnh vực du lịch, dịch vụ chú ý trang bị bổ sung kiến thức, kỹ năng cho người lao động khi đón khách nhằm đảm bảo an toàn cho du khách, nhân viên du lịch và cho cộng đồng dân cư tại điểm đến. Đối với lực lượng lao động cũ trở lại làm việc, cần đào tạo bổ sung những kiến thức, kỹ năng chuyên môn mới và bổ sung các kiến thức cần thiết trong bối cảnh mới.

Ngoài ra, đối với lực lượng lao động quản lý ở các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành, các khu du lịch và cả cán bộ quản lý Nhà nước về du lịch, ngoài những kiến thức về quản lý, về du lịch cần được bồi dưỡng thêm các kiến thức về phòng, chống dịch COVID -19, công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Việc đào tạo những kiến thức về công nghệ số, chuyển đổi số trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và đại dịch COVID -19 toàn cầu là rất quan trọng.

Nó tạo điều kiện cho một bộ phận lao động có thể mở rộng quan hệ hợp tác và liên kết kinh tế và du lịch trên phạm vi thế giới và phạm vi quốc gia hoặc làm các công việc chuyên môn thường ngày mà không cần di chuyển đến công sở, tiết kiệm được hao phí lao động, chi phí kinh doanh, nâng cao năng suất lao động.
Dưới góc độ đơn vị trực tiếp sử dụng lao động, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel Holdings nêu quan điểm: Du khách đi du lịch hiện nay rất quan tâm đến yếu tố an toàn dịch bệnh và mong muốn có nhiều dịch vụ trải nghiệm theo hướng “không chạm”, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kết hợp thực hiện số hóa.

Vì vậy, nhân sự ngành du lịch rất cần có kỹ năng  sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ thông tin, nhạy bén với các xu hướng của mạng xã hội. Mỗi doanh nghiệp lĩnh vực du lịch chủ động bồi dưỡng, cập nhật các kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ nhân sự bằng nhiều cách như tổ chức đào tạo ngay từ khi mới tuyển dụng hoặc phối hợp với các cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch để tổ chức đào tạo nâng cao, chuyên sâu cho từng vị trí việc làm phù hợp.
Từ thực tế công tác đào tạo, Thạc sỹ Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn chia sẻ, hiện nay du lịch đã có những sự chuyển hướng đáng kể. Du khách tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình tìm hiểu thông tin về chuyến đi, đặt tour, tuyến, các dịch vụ lưu trú, vận tải...

Đáp ứng  yêu cầu này, nhà trường tiếp tục chú trọng khâu thực hành chiếm 70% trong tổng thời gian đào tạo dành cho các kỹ năng thực hành, 30% thời gian trang bị kiến thức nền tảng, lý thuyết cho sinh viên. Trường còn tăng cường trang bị cho sinh viên ngành nhà hàng - khách sạn các kỹ năng về sử dụng các phần mềm ứng dụng trong quản lý khách sạn, nhà hàng.

Sinh viên ngành hướng dẫn viên được tăng cường trang bị các kỹ năng về ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế tour, tìm kiếm các dữ liệu, thực hiện số hóa tài nguyên du lịch, quay, dựng các clip liên quan đến các hoạt động trải nghiệm thú vị của du khách trong chuyến đi, kỹ năng tổ chức sự kiện, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực du lịch đạt chất lượng ngày càng cao./.

THANH TRÀ

Link nội dung: https://vitea.vn/nang-chat-nguon-nhan-luc-du-lich-trong-boi-canh-moi-a7058.html