Khái quát về liên kết trong phát triển nguồn nhân lực du lịch

Trong quá trình phát triển hoạt động du lịch, ngoài rất nhiều các yếu tố liên quan khác, phát triển nguồn nhân lực luôn là vấn đề quan trọng được quan tâm đặc biệt.

Do nhiều lý do, tuy nhiên, cơ bản nhất vẫn do đặc thù của quá trình chuyển giao và cung cấp dịch vụ du lịch diễn ra trong thực tế, sự hiện diện của con người, vai trò của người lao động trong lĩnh vực du lịch rất quan trọng, quyết định chất lượng dịch vụ du lịch, nâng cao hình ảnh của du lịch quốc gia và điểm đến.

1. Mục tiêu của liên kết phát triển nguồn nhân lực du lịch

Trong bối cảnh các nguồn lực cần thiết tại chỗ, nội tại còn thiếu, chưa đủ để có thể triển khai các hoạt động phát triển nguồn nhân lực du lịch, việc liên kết sẽ là cơ sở để phát huy, khai thác các thế mạnh của các chủ thể liên quan trong quá trình phát triển nguồn nhân lực.

Hoạt động liên kết có tác dụng đảm bảo đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực du lịch phục vụ cho phát triển ngành du lịch của từng địa phương, khu vực và cả nước. Bên cạnh đó, hoạt động liên kết còn có mục tiêu tăng cường năng lực cho các chủ thể liên quan, trên cơ sở bổ sung, giúp đỡ và hỗ trợ nhau trong quá trình phát triển nguồn nhân lực du lịch.

2. Phương thức liên kết phát triển nguồn nhân lực du lịch

Có nhiều dạng thức liên kết trong phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực du lịch nói riêng.

Thứ nhất: Nếu xét theo góc độ phạm vi biên giới lãnh thổ, có liên kết trong nước và liên kết quốc tế. Trong đó, liên kết quốc tế là sự phối hợp giữa các chủ thể trong nước và các chủ thể ngoài nước trong phát triển nguồn nhân lực du lịch. Phương thức này triển khai sẽ giúp cho các chủ thể trong nước khai thác được nguồn vốn, kinh nghiệm và chuyên gia trong quá trình triển khai thực hiện. Phương thức liên kết trong nước là những liên kết được triển khai thông qua sự liên kết giữa các đối tác trong nước trong phát triển nguồn nhân lực du lịch. Phương thức này có đặc điểm dễ triển khai thực hiện và tổ chức thường xuyên hơn so với các phương thức liên kết quốc tế. Đồng thời, hoạt động liên kết trong nước không bị ràng buộc bởi nhiều các quy định pháp luật và tính liên tục sẽ khả thi hơn so với phương thức liên kết quốc tế.

Thứ hai: Nếu xem xét theo lĩnh vực liên kết, có nhiều nội dung có thể triển khai trong quá trình liên kết trong phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Cụ thể:

– Liên kết trong xây dựng chủ trương, chính sách, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch. Đây là sự phối hợp giữa các chủ thể tham gia quá trình hoạch định các chính sách, chủ trương trong phát triển nguồn nhân lực du lịch. Các chủ thể tham gia có thể là các đối tác trong và ngoài nước, nội dung tham gia liên kết là hoạch định chính sách, pháp luật, hành lang pháp lý, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch hoặc quy hoạch phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch. Trong đó, việc liên kết trong xây dựng quy hoạch phát triển du lịch hoặc nguồn nhân lực du lịch của khu vực, địa phương được triển khai tương đối thường xuyên, liên tục và diễn ra tương đối phổ biến.

– Liên kết trong cung cấp và sử dụng nguồn kinh phí. Đây là hoạt động liên kết trong việc hỗ trợ kinh phí cho quá trình hoạch định chính sách, chủ trương cũng như các hoạt động cụ thể khác như cấp kinh phí triển khai các hoạt động phát triển nguồn nhân lực du lịch tại địa phương và khu vực đó. Đây cũng là một trong những phương thức liên kết phổ biến hiện nay. Nhiều địa phương, khu vực đã nhận được sự hỗ trợ của nhiều chủ thể bao gồm các tổ chức chính phủ, phi chính phủ trong nước và quốc tế và từ các doanh nghiệp các khoản kinh phí theo các đề án, dự án để phát triển nguồn nhân lực du lịch.

– Liên kết trong triển khai quá trình đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại nguồn nhân lực du lịch. Đây là phương thức phổ biến nhất trong bối cảnh hiện nay. Nhiều địa phương đang trong quá trình phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực trong đó có nhân lực du lịch, chưa đủ điều kiện hoặc các yếu tố để xây dựng các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch có đầy đủ năng lực để tham gia đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ, thì việc liên kết với các đối tác trong và ngoài nước để đào tạo, bồi dưỡng và đào tạo lại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là thực sự cần thiết.

Thứ ba: Xem xét theo phạm vi ranh giới địa phương và chủ thể liên kết: gồm có liên kết trong nội bộ vùng và liên kết ngoại vùng. Liên kết nội vùng thể hiện ở các liên kết giữa các cơ sở đào tạo và cơ quan quản lý tại địa phương; liên kết các địa phương nội vùng; liên kết giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp du lịch; liên kết giữa 3 chủ thể: cơ quan quản lý, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo và liên kết giữa ngành du lịch và các ngành liên quan khác. Liên kết ngoại vùng thể hiện liên kết giữa vùng và khu vực với bên ngoài, bao gồm các liên kết: giữa các cơ quan quản lý nhà nước địa phương với các cơ sở đào tạo bên ngoài với các dự án trong nước và nước ngoài; giữa các cơ sở đào tạo trong khu vực với các cơ sở đào tạo bên ngoài khu vực….

3. Một số định hướng liên kết phát triển nguồn nhân lực du lịch hiện nay

Định hướng xuyên suốt trong liên kết phát triển nguồn nhân lực du lịch là phải đảm bảo phát triển đủ số lượng, chất lượng và cơ cấu.

Cụ thể như sau:

+ Đào tạo, bồi dưỡng đủ về số lượng phù hợp với đảm bảo cung cấp đủ cho các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và cho nhu cầu của các doanh nghiệp du lịch. Việc đảm bảo về số lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp du lịch là cơ sở để đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ theo yêu cầu, tiêu chuẩn đặt ra đối với chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách du lịch.

+ Đảm bảo về cơ cấu ngành nghề phù hợp với yêu cầu của các doanh nghiệp du lịch. Trong lĩnh vực du lịch, có rất nhiều lĩnh vực dịch vụ cung cấp các sản phẩm dịch vụ khác nhau, mỗi lĩnh vực đòi hỏi có lực lượng đội ngũ đảm bảo về số lượng để chất lượng dịch vụ đó thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch.

+ Đảm bảo chất lượng chuyên môn nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp trong quá trình cung cấp các dịch vụ. Vấn đề chuyên môn nghiệp vụ có vai trò quan trọng đối với việc đảm bảo chất lượng, từ quy hoạch, quản lý chuyên môn, quy trình, cách thức phục vụ, kỹ năng giao tiếp, hiểu biết về tâm lý khách hàng, làm cho khách hàng thỏa mãn và đánh giá cao chất lượng và hình ảnh điểm đến du lịch du lịch.

+ Định hình phong cách, tận tụy, rèn luyện tính nhạy cảm trong cung cấp các dịch vụ du lịch. Quá trình cung cấp và chuyển giao dịch vụ trên đây là một quá trình rất nhạy cảm, khách du lịch dễ bị tổn thương do không thỏa mãn nhu cầu trong quá trình tiêu dùng, do vậy, nhân viên phục vụ ngoài các yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ cần rèn luyện tính nhạy cảm nghề nghiệp nắm bắt được phản ứng của khách hàng trong quá trình cung cấp các dịch vụ du lịch, từ đó định hình cho mình phong cách phục vụ phù hợp. Theo đó, chất lượng dịch vụ du lịch sẽ đảm bảo thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch.

Một số tài liệu tham khảo:

– Hà Văn Siêu (2014), Liên kết trong thực hiện quy hoạch phát triển du lịch vùng Tây Bắc, Kỷ yếu Hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc, Điện Biên.

– Lê Anh Tuấn (2014), Liên kết trong phát triển nguồn nhân lực du lịch vùng Tây Bắc, Kỷ yếu Hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc, Điện Biên.

PGS.TS. Lê Anh Tuấn

Link nội dung: https://vitea.vn/khai-quat-ve-lien-ket-trong-phat-trien-nguon-nhan-luc-du-lich-a7047.html