Nguồn nhân lực du lịch, định hướng và giải pháp

Tham luận đề cập tới đặc điểm của đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại Việt Nam trong thời gian qua, đánh giá những vấn đề còn tồn tại trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch nói chung, đồng thời trên cơ sở khái quát về yêu cầu của nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đề xuất một số định hướng và các giải pháp cơ bản nhằm tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trong bối cảnh hiện nay.

MỘT SỐ BÀN LUẬN VỀ ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP ĐỐI VỚI ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC DU LỊCH CHẤT LƯỢNG CAO TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY

Tóm tắt:

Tham luận đề cập tới đặc điểm của đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại Việt Nam trong thời gian qua, đánh giá những vấn đề còn tồn tại trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch nói chung, đồng thời trên cơ sở khái quát về yêu cầu của nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đề xuất một số định hướng và các giải pháp cơ bản nhằm tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trong bối cảnh hiện nay.

Đặt vấn đề

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, các mặt của đời sống sản xuất, xã hội, văn hóa, khoa học công nghệ và nhiều lĩnh vực khác đều chịu ảnh hưởng của quá trình quốc tế hóa. Việc phân công lao động quốc tế theo đó phát triển và mở rộng, người lao động ở quốc gia này có mặt tại nhiều quốc gia khác, sự phụ thuộc về kinh tế tăng lên mạnh mẽ. Du lịch là một lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng của bối cảnh hội nhập quốc tế trong khu vực và thế giới, trong đó, việc phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu hội nhập, tăng sức cạnh tranh cho Ngành được quan tâm đặc biệt.

Do nhiều lý do, tuy nhiên, cơ bản nhất vẫn do đặc thù của quá trình chuyển giao và cung cấp dịch vụ du lịch diễn ra trong thực tế, sự hiện diện của con người, vai trò của người lao động trong lĩnh vực du lịch rất quan trọng, quyết định chất lượng dịch vụ du lịch, nâng cao hình ảnh của du lịch quốc gia.

Tham luận này đề cập tới hoạt động đào tạo du lịch nói chung, đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao nói riêng, nhu cầu về nguồn nhân lực, đề xuất một số định hướng và giải pháp nhằm tăng cường đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trong giai đoạn hiện nay.

Khái quát về đào tạo nguồn nhân lực du lịch hiện nay

Đào tạo chuyên ngành du lịch, khách sạn và nhà hàng đã được triển khai từ thập niên 60, đến những năm sau thập niên 90, số lượng các cơ sở đào tạo du lịch đã tăng nhanh từ các trung tâm dạy nghề đến các cơ sở đào tạo (trung cấp đến đại học). Hiện nay, cả nước có khoảng 156 cơ sở tham gia đào tạo chuyên ngành du lịch ở trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp và đào tạo ngắn hạn, gồm: 48 trường đại học; 43 trường cao đẳng (trong đó có 10 trường cao đẳng nghề); 40 trường trung cấp (trong đó có 04 trường trung cấp nghề); 02 công ty đào tạo và 23 trung tâm, lớp đào tạo nghề. Trường trực thuộc doanh nghiệp là Trường Trung cấp Du lịch-Khách sạn Saigontourist của Tổng Công ty Du lịch Saigontourist. Các quy định về mã ngành/nghề đào tạo đã được ban hành với 4 chương trình ở bậc đại học, cao đẳng chuyên nghiệp, 6 nghề bậc cao đẳng và trung cấp nghề.

Đào tạo sau đại học lĩnh vực du lịch và liên quan được triển khai từ sau năm 2000, hiện nay cũng được triển khai ở nhiều trường đại học trên cả nước. Tuy nhiên, do trong thực tế, mã ngành du lịch đang chỉ dừng lại ở bậc cao đẳng và đại học như đã nêu trên, bậc sau đại học có 2 ngành chủ yếu gồm: Du lịch (Chương trình đào tạo thí điểm), Quản lý kinh tế (Chuyên ngành Kinh tế du lịch), đồng thời, bậc đào tạo sau đại học lĩnh vực du lịch được đào tạo lồng ghép với nhiều ngành khác nhau như: Kinh doanh Thương mại, Kinh tế thương mại, Quản trị kinh doanh, Quản lý văn hóa, Địa lý (Địa lý du lịch)… Mới đây, một số cơ sở đào tạo đã mở mã ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành đào tạo trình độ thạc sĩ. Đồng thời, các chương trình đào tạo sơ cấp nghề, bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn cũng được triển khai.

Bậc đào tạo tiến sĩ liên quan đến ngành du lịch được một số trường đại học triển khai nhưng được lồng ghép trong các ngành khác như: Quản lý kinh tế (Kinh tế du lịch), Kinh tế thương mại, Địa lý (Địa lý du lịch) hoặc các ngành khác như Việt Nam học, Quản lý văn hóa. Ngoài ra, các Viện nghiên cứu cũng có đào tạo bậc tiến sĩ các ngành Kinh tế, Thương mại, Tài chính… trong đó các đề tài luận văn, luận án nghiên cứu các vấn đề trong lĩnh vực du lịch.

Năm 2014, theo Văn bản hợp nhất số 16/VBHN-BGDĐT ngày 8 tháng 5 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có ngành Quản trị dịch vụ du lịch và Lữ hành cấp IV đào tạo bậc Thạc sĩ với mã số 60340103 thuộc Ngành Kinh doanh mã số 603401. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có số ít các cơ sở đào tạo triển khai được hoạt động đào tạo ngành này ở bậc thạc sĩ vì mới được ban hành và còn thiếu các điều kiện về mở ngành, trong đó có đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ đúng chuyên ngành.

Hiện nay, nguồn nhân lực du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và cơ cấu. Chất lượng nguồn nhân lực du lịch đã dần được nâng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn Ngành. Tuy nhiên, vẫn còn có những bất cập trong tổ chức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch. Cụ thể:

– Phân bố mạng lưới các cơ sở đào tạo chưa hợp lý, đã có hiện tượng phát triển nóng của hệ thống các cơ sở đào tạo trong khi chưa hội tủ các điều kiện cần thiết cho việc học tập và giảng dạy các chuyên ngành du lịch một cách chuẩn mực.

– Quy mô đào tạo tăng mạnh nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tế do còn bất cập trong cơ cấu chuyên môn nghiệp vụ, cơ cấu ngoại ngữ, cơ cấu số lượng nhân lực khu vực, vùng miền, đầu vào còn hạn chế… Còn có khoảng cách lớn về đào tạo nhân lực, chất lượng nhân lực các khu vực vùng miền trên cả nước, chất lượng đầu ra còn chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội.

– Hệ thống chương trình, giáo trình đã phát triển nhưng chưa thật sự phù hợp, kết cấu chương trình đào tạo còn có những bất cập, tập trung nhiều về lý thuyết, thời gian dành cho thực hành kỹ năng đối với khối đào tạo nghiệp vụ chưa hợp lý.

– Chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên chưa cao, trình độ ngoại ngữ, chuyên môn và đặc biệt là kinh nghiệm thực tiễn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu.

– Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp và giữa các chủ thể chưa chặt chẽ và thiếu đồng bộ. Sự gắn kết giữa các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và nhà trường trong tổ chức quản lý, tổ chức đào tạo chưa thật sự phù hợp, còn thiếu nhất quán, chưa đồng bộ.

– Các chính sách và hành lang phát lý cho tổ chức đào tạo nguồn nhân lực du lịch chưa thật sự phù hợp, do các luật, và các văn bản dưới luật chưa hoàn thiện, thiếu khung, chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ được thống nhất trên cơ sở hài hòa với chuẩn khu vực và thế giới…

Bối cảnh, yêu cầu và nhu cầu về đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao

3.1. Bối cảnh

Ngành du lịch đang có đà phát triển mạnh do chủ trương của Đảng và Nhà nước thời gian qua, theo đó nhu cầu nguồn nhân lực trong đó có nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đang gia tăng để đáp với yêu cầu của tình hình mới. Tuy nhiên, do nền kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng còn đang trong giai đoạn phát triển trình độ thấp, do vậy trình độ và kinh nghiệm quản lý phát triển nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế, sức cạnh tranh của nhân lực du lịch theo đó cũng còn hạn chế trong bối cảnh hiện nay. Tình trạng tổ chức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch còn có những bất cập, hiện trạng “thừa thầy thiếu thợ” vẫn còn phổ biến.

Thời gian qua, với việc thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong khối các nước ASEAN (MRA-TP), dẫn đến bối cảnh tới đây cạnh tranh gay gắt do việc các cư dân các nước trong khu vực có thể đến Việt Nam làm việc, với kỹ năng, nghiệp vụ và sự nhạy cảm, nhạy bén nghề nghiệp tốt hơn sẽ cạnh tranh với người lao động trong nước.

Bên cạnh đó, việc quản lý và phát triển nguồn nhân lực sẽ khó khăn hơn, không chỉ đối với các cơ quan quản  lý nhà nước mà đặc biệt là các doanh nghiệp sẽ gặp phải những thách thức rất lớn trong quản lý, giữ chân người lao động, tránh chảy máu chất xám trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt khi tham gia hội nhập.

3.2. Yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao

Thời gian qua, định hướng về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch có chất lượng cao được đề cập, trở thành phổ biến, và đã hiện diện trong chủ trương và chính sách, được cụ thể hóa  trong Chiến lược, Quy hoạch phát triển du lịch và Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch đã được ban hành. Thời gian gần đây, thay vì sử dụng “nguồn nhân lực du lịch có chất lượng cao” thì “nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao” được đề cập, bàn luận nhiều hơn, thể hiện việc xã hội, thực tiễn ngành quan tâm và đòi hỏi cần cụ thể hóa hơn, rõ hơn tiến tới định lượng, đánh giá được yếu tố “chất lượng cao” của nguồn nhân lực du lịch.

Theo TS. Nguyễn Văn Lưu (2016), khái niệm nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao được hiểu là một bộ phận đặc biệt của nguồn nhân lực du lịch, bao gồm những người có trình độ học vấn từ cao đẳng, đại học trở lên đảm nhiệm các chức danh quản lý nhà nước về du lịch, hoạt động sự nghiệp du lịch (nghiên cứu và đào tạo du lịch), quản trị doanh nghiệp du lịch, các lao động lành nghề là những nghệ nhân, những nhân lực du lịch trực tiếp đượcxếp từ bậc 3 trở lên, đang làm việc trong các lĩnh vực của ngành du lịch, có những đóng góp thiết thực và hiệu quả cho sự phát triển bền vững, có trách nhiệm của ngành du lịch.

Theo La Hoàn, yếu tố chất lượng cao của nguồn nhân lực thể hiện ở các cấp độ và nội dung sau đây:

Đối với nhóm gián tiếp (lãnh đạo, quản lý, nhà nghiên cứu, đào tạo…): nguồn nhân lực chất lượng cao của nhóm gián tiếp phải đạt được yêu cầu phải có tài trong lãnh đạo, quản lý, sử dụng và biết cách giữ chân người tài hay nói cách khác là biết cách định vị nguồn nhân lực; phải có tâm trong thu phục lòng người, phát huy lòng yêu nghề, khả năng cống hiến và sáng tạo; phải có tầm nhìn xu hướng vận động của ngành du lịch trong mối quan hệ với thế giới với hiện trạng đất nước, dự báo và có kế hoạch sánh ngang, vượt qua đối thủ.

Đối với nhóm trực tiếp (lễ tân, phục vụ buồng, bàn, hướng dẫn viên, đầu bếp…): phải đảm bảo các yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng nghề, khả năng sáng tạo, kỹ năng sống, phối hợp công việc, biết vận dụng công nghệ tiên tiến phù hợp… và một yêu cầu tối quan trọng trong phục vụ du lịch, đó là trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là ngoại ngữ chuyên ngành.

Như vậy, theo các quan điểm nêu trên và theo thực tiễn ngành, nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ tập trung, hay khu trú trong trong một bộ phận hoặc một lĩnh vực nào đó của ngành du lịch mà được phân bố đều khắp các lĩnh vực, các cấp độ chuyên môn nghề nghiệp. Mỗi cấp độ, mỗi lĩnh vực chuyên môn nghề nghiệp đòi hỏi những yêu cầu về trình độ chuyên môn, nghề nghiệp bao gồm: kiến thức, kỹ năng, thái độ tương ứng như trên đã đề cập ở trên.

Tổ chức đào tạo nguồn nhân lực thời gian tới cần xuất phát từ quan điểm và nhận thức về nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, chuẩn về nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển ngành, đòi hỏi của xã hội và doanh nghiệp, xác định chuẩn đầu ra, xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, tổ chức quy trình đào tạo thích ứng trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp du lịch.

3.3. Nhu cầu về đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao

– Nhu cầu về cơ cấu ngành nghề du lịch

Xem xét về cơ cấu lao động trong du lịch, có thể phân loại theo lao động gián tiếp (lao động quản lý) và lao động nghiệp vụ. Lao động quản lý bao gồm các dạng lao động trong các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, đội ngũ lãnh đạo các doanh nghiệp. Lao động nghiệp vụ là những lao động làm việc trực tiếp cung cấp các dịch vụ du lịch như đã nêu trên. Về cơ bản, cơ cấu lao động được phân chia theo 3 nhóm cơ bản dưới đây.

Nhóm thứ nhất, đội ngũ quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, bao gồm những người làm công tác quản lý về du lịch ở các cấp từ địa phương cho đến trung ương. Đội ngũ này được đào tạo từ các ccơ sở đào tạo hoặc chuyển nành từ nhiều ngành khác nhau trong xã hội và phát triển từ các doanh nghiệp.

Nhóm thứ hai, nhóm lao động quản lý tại các doanh nghiệp (cấp trưởng, phó phòng trở lên), bao gồm đội ngũ các quản lý cấp cao và trung trong các doanh nghiệp du lịch. Đội ngũ này có thể được đào tạo từ các cơ sở đào tạo, chuyển từ các cơ quan quản lý nhà nước và phát triển từ các nhân viên bậc thấp trong doanh nghiệp.

Nhóm thứ ba, nhóm lao động nghiệp vụ. Đây là nhóm lao động có số lượng nhiều nhất và đa dạng về chuyên môn nghiệp vụ. Cụ thể: Lao động trong các bộ phận: Lễ tân đón tiếp, phục vụ buồng, phục vụ nhà hàng, pha chế đồ uống, nhân viên nấu ăn, hướng dẫn viên du lịch, thuyết minh viên du lịch, nhân viên điều hành và đại lý du lịch, các loại nhân viên khác.

– Nhu cầu chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ và phong cách phục vụ

+ Đào tạo đủ về số lượng đảm bảo cung cấp đủ cho các cấp độ quản lý nhà nước và doanh nghiệp du lịch trong phục vụ khách du lịch. Việc đảm bảo về số lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp du lịch là cơ sở để đảm bảo việc cũng cấp các dịch vụ theo yêu cầu, tiêu chuẩn đặt ra đối với chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách du lịch khu vực và thế giới. Việc chuẩn bị đủ cơ cấu về số lượng lao động quản lý và lao động nghiệp vụ sẽ đảm bảo chất lượng cho cả một hệ thống vận hành từ xây dựng chủ trương chính sách, quy hoạch, quản lý nhà nước đến hoạt động kinh doanh cung cấp dịch vụ du lịch tăng tính cạnh tranh.

+ Đảm bảo về cơ cấu ngành nghề phù hợp với yêu cầu của các doanh nghiệp du lịch. Đây là một nội dung có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Trong lĩnh vực du lịch, có rất nhiều lĩnh vực dịch vụ cung cấp các sản phẩm dịch vụ khác nhau, mỗi lĩnh vực đòi hỏi có lực lượng đội ngũ đảm bảo về số lượng để chất lượng dịch vụ đó đảm bảo thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch.

+ Đảm bảo chất lượng chuyên môn nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp trong quá trình cung cấp các dịch vụ. Thực tế cho thấy, số lượng nguồn nhân lực có thể đủ, tuy nhiên chất lượng chuyên môn nghiệp vụ lại quyết định chất lượng của tất cả các công đoạn của hoạt động du lịch từ quản lý nhà nước đến hoạt động kinh doanh dịch vụ của các doanh nghiệp. Vấn đề chuyên môn nghiệp vụ có vai trò quan trọng đối với việc đảm bảo chất lượng, từ quy hoạch, quản lý chuyên môn, quy trình, cách thức phục vụ, kỹ năng giao tiếp, hiểu biết về tâm lý khách hàng, làm cho khách hàng thỏa mãn và đánh giá cao chất lượng và hình ảnh điểm đến du lịch du lịch.

+ Đảm bảo về kiến thức ngoại ngữ trong giao tiếp và phục vụ khách du lịch quốc tế theo chuẩn các quốc gia ASEAN và thế giới. Đồng thời, cần đảm bảo kiến thức về hội nhập quốc tế và kỹ năng làm việc ở nước ngoài và doanh nghiệp liên doanh. Bổ sung kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc nhóm và các kỹ năng liên quan cần thiết khác.

+ Định hình phong cách, tận tụy, rèn luyện tính nhạy cảm trong cung cấp các dịch vụ du lịch. Dịch vụ và sản phẩm du lịch có tính đặc thù, không có hình thái cụ thể. Trong quá trình tiêu dùng dịch vụ, khách du lịch cần phải di chuyển, tiêu dùng từng phần, từng công đoạn của quá trình cung cấp và chuyển giao dịch vụ trực tiếp từ phía các nhân viên phục vụ và những lao động có liên quan. Quá trình cung cấp và chuyển giao dịch vụ trên đây là một quá trình rất nhạy cảm, khách du lịch dễ bị tổn thương do không thỏa mãn nhu cầu trong quá trình tiêu dùng, do vậy, nhân viên phục vụ ngoài các yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ cần rèn luyện tính nhạy cảm nghề nghiệp nắm bắt được phản ứng của khách hàng trong quá trình cung cấp các dịch vụ du lịch, từ đó định hình cho mình phong cách phục vụ phù hợp. Có như vậy, chất lượng dịch vụ du lịch mới đảm bảo thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch đặc biệt là khách du lịch quốc tế (Lê Anh Tuấn, 2015).

Một số định hướng và giải pháp tăng cường đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao
4.1. Định hướng đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao

+ Đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu ngành nghề, cấp trình độ, đã bảo chất lượng chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ đủ điều kiện để cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay.

+ Tạo cơ chế chính sách phù hợp tạo điều kiện cho hình thành môi trường đào tạo, phát triển và quản lý nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao phục vụ phát triển ngành.

4.2. Một số giải pháp cơ bản

+ Thứ nhất: Thống nhất nhận thức về nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, gồm: quan điểm, nội hàm, tiêu chí xác định, đánh giá về nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao và thống nhất tiêu chí, tiêu chuẩn trong tổ chức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao.

+ Thứ hai: Chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, hành lang pháp lý trong phát đào tạo, triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Cụ thể: cần xác định rõ các chức danh nghề nghiệp trong ngành, xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá và chế định bằng các văn bản quản lý nhà nước để làm căn cứ cho tổ chức hoạt động đào tạo, kiểm định chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao và dồng thời có những căn cứ đề đánh giá nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trong doanh nghiệp.

+ Thứ ba: Rà soát năng lực đào tạo, tái cơ cấu mạng lưới các cơ sở đào tạo du lịch ở các cấp độ đào tạo từ đào tạo nghiệp vụ đến đào tạo quản lý, kinh doanh và quy hoạch du lịch đại học và sau đại học hợp lý, đảm bảo đào tạo đủ cơ cấu ngành nghề, chuyên môn, trình độ. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên trong các cơ sở đào tạo.

+ Thứ tư: Tiếp cận với hướng tổ chức đào tạo hội nhập với quốc tế. Cụ thể là cần tiếp cận với việc định hướng phân ngành hoặc lĩnh vực trong nghiên cứu và đào tạo du lịch để triển khai đào tạo ở bậc đại học và sau đại học. Trong đó, cần phân chia các lĩnh vực đào tạo du lịch theo 3 lĩnh vực. Bao gồm: 1) Chính sách và quy hoạch phát triển du lịch, bao gồm những nội dung liên quan đến chính sách phát triển du lịch, tài nguyên du lịch, quy hoạch và kế hoạch phát triển du lịch, Tổ chức phân vùng khu và vùng du lịch, môi trường và cảnh quan du lịch, các tác động của du lịch tới môi trường… 2) Kinh doanh du lịch tập trung các hướng như kinh tế du lịch, cung cầu trong du lịch, quản trị kinh doanh du lịch, quản trị các doanh nghiệp du lịch khách sạn, quản trị các doanh nghiệp kinh doanh ăn uống, quản trị khu du lịch, quản trị các ngành dịch vụ vui chơi giải trí, các vấn đề tiếp thị, xúc tiến quảng bá du lịch, tác động của du lịch tới kinh tế, hiệu quả kinh tế, các lĩnh vực chuyên sâu trong kinh doanh như quản trị nguồn nhân lực, quản trị tài chính… 3) Văn hóa và tâm lý du lịch, tập trung vào các vấn đề như động cơ của hoạt động du lịch, tâm lý du lịch, các vấn đề liên quan đến văn hóa của hoạt động du lịch, tâm lý tiêu dùng của khách du lịch, du lịch văn hóa, các vấn đề xã hội trong du lịch…

Đối với đào tạo nghề nghiệp bậc cao đẳng trở xuống, cần quan tâm đổi mới chương trình đào tạo, theo hướng tiếp cận với khu vực và thế giới, lồng ghép vào chương trình đào tạo các tiêu chuẩn nghề, các thỏa thuận nghề du lịch lẫn nhau giữa các nước ASEAN (MRA-TP). Gắn kết giữa đào tạo lý thuyết và kỹ năng thực hành nghề và kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng xử lý công việc chuyên môn.

+ Thứ năm: Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nhà trường trong triển khai xây dựng hành lang pháp lý cho công tác đào tạo; phối hợp chặt chẽ trong tổ chức quản lý chất lượng nguồn nhân lực từ đầu vào, đầu ra và giám sát chất lượng nguồn nhân lực trong suốt quá trình đào tạo và sử dụng nhân lực. Doanh nghiệp cần được xác định vai trò quan trọng trong quá trình tổ chức đào tạo, tham gia vào quá trình tổ chức đào tạo với các cơ sở đào tạo để đảm bảo chất lượng đào tạo phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Kết luận
Như vậy, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao được quan tâm trong bối cảnh hiện nay. Thời gian qua, nguồn nhân lực du lịch Việt Nam đã có nhiều bước phát triển, từng bước đáp ứng cho yêu cầu phát triển của Ngành du lịch nói chung, tuy nhiên, thực trạng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng và đào tạo chất lượng cao còn có những bất cập cần được quan tâm để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu của tình hình mới.

Trong thời gian tới đây, để đảm bảo đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xã hội, cần thực hiện các giải pháp mang tính định hướng từ việc thống nhất nhận thức của các chủ thể liên quan về nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, cho đến hành động tổ chức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chủ thể trong triển khai thực hiện./.

 PGS.TS. Lê Anh Tuấn

Vụ Đào tạo, Bộ VHTTDL

Link nội dung: https://vitea.vn/nguon-nhan-luc-du-lich-dinh-huong-va-giai-phap-a7041.html