Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa TPHCM: 20 năm một chặng đường!

Trường Đại học Văn hóa TP.HCM là một trong những cơ sở đào tạo nguồn nhân lực Du lịch từ rất sớm, đã có những đóng góp nhất định cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của cả nước nói chung, các tỉnh/thành phía Nam nói riêng.

Khoa Du lịch của Trường được thành lập từ tháng 9/1996, qua hơn 20 năm phát triển, sau nhiều lần sát nhập, chia tách và đổi tên, đến nay Khoa Du lịch đã thực sự lớn mạnh về số lượng và chất lượng, đã khẳng định được thương hiệu của một cơ cở công lập đào tạo nguồn nhân lực du lịch trình độ đại học có chất lượng cao ở các tỉnh phía Nam.

Trong những năm qua, Khoa đã đào tạo các chuyên ngành Văn hóa Du lịch, Hướng dẫn Du lịch, Quản lý Du lịch, Thiết kế và Điều hành chương trình du lịch, với các bậc từ trung cấp đến đại học các hệ: chính quy tập trung, vừa làm vừa học, liên thông từ cao đẳng lên đại học. Số lượng sinh viên đã tăng nhanh trong giai đoạn 2010 – 2016 và duy trì khá ổn định quy mô thường xuyên từ 800-1000 sinh viên và là một trong hai khoa có sinh viên chính quy động nhất trường. Trong năm học 2016-2017, Khoa Du lịch có gần 900 sinh viên các hệ thuộc bậc đại học và cao đẳng theo học.

c3-1665316319.png
 

Đội ngũ giảng viên ngày càng được tăng cường về cả số lượng và chất lượng, với 2 tiến sĩ, 2 nghiên cứu sinh, còn lại tất cả giảng viên đều có trình độ thạc sĩ, được đào tạo từ các trường đại học lớn ở trong và ngoài nước. Giảng viên trong khoa Du lịch cũng tham gia vào Ban chấp hành Liên chi hội Đào tạo Du lịch Việt Nam và hoạt động của Chi hội Đào tạo thuộc Hiệp hội Du lịch TP.HCM. Tham gia vào hoạt động đào tạo, ngoài các giảng viên cơ hữu, Khoa đã nhận được sự hợp tác tích cực và thường xuyên của nhiều doanh nhân, các nhà quản lý của một số doanh nghiệp du lịch lớn, cùng với các Giáo sư, Tiến sĩ,… đầu ngành, có kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch đến từ các trường Đại học, Viện nghiên cứu lớn,… trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Trong các năm 2009-2015, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đã liên kết với Trường ĐHKHXH&NV thuộc ĐHQG Hà Nội để đào tạo Thạc sĩ Du lịch học cho 3 khóa với hơn 100 học viên. Đến nay, các học viên cao học đã bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ khoa học Du lịch và có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển của ngành du lịch Việt Nam.

Ngoài đào tạo dài hạn, Khoa Du lịch đã và đang mở rộng họat động đào tạo ngắn hạn theo chương trình của Tổng cục Du lịch nhằm góp phần đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch cho các tỉnh phía Nam.

Bên cạnh hoạt động đào tạo, Khoa đã tích cực đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong giảng viên và sinh viên, tổ chức nhiều hoạt động ngoại khoá như: tổ chức các buổi nói chuyện về định hướng nghề nghiệp; giao lưu giữa sinh viên với doanh nghiệp và cựu sinh viên; tổ chức hội thi “Hướng dẫn viên du lịch giỏi”, “Tự hào Việt Nam”,… và hỗ trợ Câu lạc bộ Hướng dẫn viên du lịch, Câu lạc bộ tiếng Anh Du lịch; Liên chi đoàn và Liên chi hội Khoa tổ chức nhiều hoạt động nhằm trang bị các kỹ năng mềm cho sinh viên.

Đặc biệt, trong quá trình đào tạo, Khoa Du lịch luôn chú trọng đến công tác tổ chức thực tế, thực tập cho sinh viên. Trong khóa học, sinh viên Du lịch được đi thực tế 3 lần theo các tuyến trải rộng khắp các vùng miền của đất nước (Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và xuyên Việt). Các chuyến thực tế này được tổ chức bài bản, khoa học, với sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, khoa Du lịch, với các doanh nghiệp du lịch hàng đầu trên địa bàn TP.HCM như Saigon Tourist, Cholon Tourist,… Qua các chuyến đi thực tế và các đợt thực tập tại doanh nghiệp, việc vận dụng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn đã đạt hiệu quả tốt, giúp cho sinh viên khi ra trường có thể hòa nhập ngay với môi trường của doanh nghiệp mà họ được tiếp nhận. Kết quả thực tập hàng năm của sinh viên được các doanh nghiệp đánh giá rất cao. Ngay sau đợt thực tập giữa khóa đã có nhiều sinh viên được các doanh nghiệp tuyển dụng làm cộng tác viên và giữ chân để nhận chính thức sau khi tốt nghiệp.

Trong quá trình đào tạo, Khoa Du lịch luôn chủ động cập nhật chương trình đào tạo mới, từng bước hoàn thiện giáo trình, tập bài giảng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong thời kỳ Đổi mới. Bên cạnh đó, tất cả các giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng đều phải tích cực tự đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng đào tạo theo học chế tín chỉ.

Sinh viên khoa Du lịch rất tích cực tham gia các hoạt động phong trào như: Hội thi giọng hát vàng ngành Du lịch TP.HCM, Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM, Hội thi “Sinh viên du lịch đồng hành cùng Vietravel – 2015”, Hội thi “Hướng dẫn viên du lịch giỏi” theo cụm trường trên địa bàn TP.HCM và Hội thi “Hướng dẫn viên giỏi” do Tổng cục Du lịch tổ chức vào cuối tháng 6/2015 tại TP. Huế, Hội thi “Hướng dẫn viên du lịch giỏi” do Sở Du lịch TP.HCM tổ chức hàng năm và đạt được những giải thưởng cao. Trong mấy năm trở lại đây, ngày càng có nhiều sinh viên của Khoa được tuyển chọn đi du học Hàn Quốc, tham gia giao lưu văn hóa với Đại học Silpakorn Thái Lan, với Khoa Văn hóa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội và với một trường Đại học của Hoa Kỳ, Hàn Quốc,…

Trong suốt quá trình phát triển, thế mạnh của Khoa Du lịch là đào tạo chuyên ngành Hướng dẫn du lịch. Tuy nhiên, chương trình đào tạo có cấu trúc hợp lý, được thiết kế theo hướng vừa chuyên sâu, gắn liền với thực tế, đồng thời trang bị hệ thống kiến thức chung của ngành du lịch, đảm bảo cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, có khả năng đáp ứng được yều cầu nghiệp vụ trong lĩnh vực du lịch như: hướng dẫn, tổ chức, điều hành chương trình du lịch,…. cũng như tham gia vào hoạt động quản lý lữ hành tại các doanh nghiệp du lịch.

Qua hơn 20 năm đào tạo, Khoa Du lịch của trường ĐH Văn hóa TP.HCM đã đào tạo được hàng ngàn sinh viên, trong đó có hàng trăm cựu sinh viên đang là cán bộ quản lý, hướng dẫn viên, nhân viên,… đang làm việc tại các doanh nghiệp lữ hành hàng đầu cả nước như: Saigontourist, Vietravel, Cholontourist, Benthanhtourist, Công ty du lịch Thanh niên, Fiditour,… Nhiều sinh viên sau khi ra trường đã được tiếp nhận làm việc trong các khách sạn (kể cả khách sạn cao cấp) và các doanh nghiệp khác trong cả nước với rất nhiều vị trí khác nhau như: lễ tân khách sạn, tiếp thị, kinh doanh, tổ chức sự kiện, điều hành, quản lý nhà hàng (kể cả trong hệ thống nhà hàng của doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài),… Một số cựu sinh viên đã trở thành những cán bộ quản lý giỏi trong các doanh nghiệp du lịch, Trung tâm xúc tiến du lịch, Hiệp hội du lịch, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và giảng viên của các cơ sở đào tạo du lịch trên cả nước, tập trung nhiều nhất trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh như: ĐH Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, ĐH Tài chính – Marketing, ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, ĐH Hoa Sen, ĐH Văn Hiến, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Sài Gòn, ĐH Kinh tế – Tài chính TP. Hồ Chí Minh, CĐ công nghệ Thủ Đức,CĐ Văn hóa – Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn,….

Khoa Du lịch – Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đang được sự hỗ trợ, hợp tác rất nhiệt tình của các cấp chính quyền thành phố Hồ Chí Minh, của ngành du lịch Việt Nam và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn các tỉnh phía Nam. Đây chính là cơ sở để Khoa Du lịch phấn đấu trở thành một “cơ sở đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học về lĩnh vực du lịch đạt chuẩn mực, chất lượng, đáp ứng được nhu cầu xã hội, có tính thực tiễn cao”.

Để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao cho các tỉnh phía Nam, lãnh đạo Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã ủng hộ Trường Đại học Văn Hóa TP.HCM xây dựng phương án phát triển Khoa Du lịch thành Trường Đại học Du lịch trong những năm tới.

Tôn Long Hạ 

Link nội dung: https://vitea.vn/khoa-du-lich-truong-dai-hoc-van-hoa-tphcm-20-nam-mot-chang-duong-a7032.html